Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 19 giờ ngày 25-9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 121,6 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Nam đảo Lu-Dông (Phi-lip-pin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ), giật cấp 16.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão Noru sẽ đi vào Biển Đông. Đến 19 giờ ngày 26-9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 116,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 460km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149km/giờ), giật cấp 16.
Sau đó, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và có xu hướng mạnh lên. Dự báo đến 19 giờ ngày 27-9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 111,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền Đà Nẵng-Bình Định khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ), giật cấp 17.
Đường đi của siêu bão Noru. Ảnh: TTKTTVVN |
Hiện nay (25-9), ở khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ đang đã có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to. Dự báo từ đêm nay đến ngày 26-9, ở khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 70mm (thời gian mưa tập trung vào chiều và tối).
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét: Cấp 1.
Trước đó, tại cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai về ứng phó siêu bão Noru diễn ra vào ngày 25-9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao sự vào cuộc của Ban Chỉ đạo, của các bộ ngành, địa phương.
Noru là cơn bão lớn nhất trong 5 năm trở lại đây. Kinh nghiệm từ ba cơn bão mạnh tương đương xảy ra năm 2017 và 2006 đều cho thấy hậu quả rất lớn về người và tài sản, đòi hỏi sự vào cuộc từ trung ương tới địa phương sẵn sàng các phương án ứng phó.
“Dự báo cơn bão này rất mạnh, có thể giật tới cấp 17, tốc độ di chuyển nhanh. Vào đất liền mà cấp 13 thì nhà cấp 4 sẽ bị thổi bay, tốc mái. Đề nghị các bộ ngành, nhất là địa phương tổ chức di tản dân, kêu gọi tàu thuyền di chuyển tới nơi an toàn… Các đồng chí cần hết sức chủ động, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác” - Phó Thủ tướng yêu cầu.
Từ kết quả cuộc họp này, trước mắt, thay mặt Thủ tướng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký ngay trong chiều nay công điện gửi các địa phương, bộ ngành với các nhiệm vụ cụ thể để ứng phó với bão.
Các tỉnh từ Quảng Bình - Bình Thuận rà soát phương án sơ tán dân với tổng số 213.914 hộ/868.230 người. Trong đó các tỉnh trọng tâm dự kiến bão đổ bộ từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi sẵn sàng phương án sơ tán 93.312 hộ/368.878 người tuỳ theo diễn biến của bão.