Nghị quyết mới của HĐND TP Hà Nội đề ra 9 nhóm biện pháp chủ yếu, trong đó có những biện pháp ngay trước mắt cũng như thời gian tiếp theo để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ trên địa bàn.
Đặc biệt, nghị quyết có phụ lục chi tiết, cụ thể 9 nhóm biện pháp với 32 nhiệm vụ, chỉ tiêu, yêu cầu cụ thể gắn với tiến độ thời gian từ nay đến cuối năm 2023 và đến năm 2025.
Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến việc các biện pháp ngăn ngừa, khắc phục, xử lý khi sự cố cháy nổ xảy ra đối với các loại hình có nguy cơ cao như nhà ở nhiều căn hộ, cụm công nghiệp làng nghề, trung tâm thương mại…
Chú trọng đến công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ năng cứu hộ, thoát nạn, trong đó, HĐND TP kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đơn vị và nhân dân thủ đô tiếp tục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, các biện pháp phòng chống cháy nổ.
Đáng chú ý, nghị quyết của HĐND TP Hà Nội thể hiện sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhất là các đối tượng nguy cơ cháy, nổ cao.
Đồng thời, xử lý dứt điểm các công trình không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy được đưa vào hoạt động trước khi Luật phòng cháy chữa cháy có hiệu lực thực hiện theo Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND của HĐND TP; các công trình vi phạm về trật tự xây dựng, chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy theo quy định nhưng đã đưa vào hoạt động trên địa bàn TP.
Nghị quyết của HĐND TP về các biện pháp tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn trên tại thủ đô được thông qua trong bối cảnh tình hình phức tạp của cháy nổ, đặc biệt là vụ cháy chung cư mini vừa qua trên địa bàn quận Thanh Xuân.
Đoàn kiểm tra quận Thanh Xuân đã yêu cầu chuyển toàn bộ xe máy, xe đạp điện tại tầng 1 khỏi chung cư mini, nhà thuê trọ, và đặt mục tiêu nếu không di chuyển được toàn bộ thì phải di chuyển được 70 đến 80% xe máy, xe đạp điện.