Sáng 29/9, Tổng cục Thống kê họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội với con số tăng trưởng của quý III đạt 5,33% - cải thiện hơn hai quý đầu năm, đưa mức tăng GDP 9 tháng đạt 4,24% - vẫn rất thấp so với cả giai đoạn 2011-2023.
Trao đổi với báo chí sau họp báo, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói rằng, dù còn nhiều khó khăn nhưng từ nay đến cuối năm kinh tế Việt Nam vẫn có triển vọng tăng trưởng từ các yếu tố tích cực.
Kỳ vọng sản xuất công nghiệp khởi sắc
PV: Tăng trưởng GDP thấp hơn mục tiêu đề ra có nguyên nhân từ sự suy giảm của các động lực tăng trưởng chính, đặc biệt sản xuất công nghiệp. Lĩnh vực này có thay đổi thế nào trong quý III/2023, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hương: Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi nhưng tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2023 của nước ta duy trì đà tăng tích cực (quý I tăng 3,28%; quý II tăng 4,05%; quý III tăng 5,33%), bình quân 9 tháng năm 2023 tăng 4,24% so cùng kỳ.
Nhìn lại sản xuất công nghiệp 9 tháng có thể thấy xu hướng rõ nét, đặc biệt từ tháng 5 đến nay, sản xuất công nghiệp hàng tháng liên tục tăng so cùng kỳ với mức tăng tháng sau tăng cao hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước và quý III đã có sự khởi sắc hơn, trong đó, ngành chế biến, chế tạo có sự cải thiện rõ rệt.
Một số ngành chủ lực phục vụ xuất khẩu đã có tín hiệu rất tích cực, như sản xuất giường tủ bàn ghế; sản xuất kim loại; sản các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; dệt; sản xuất sản phẩm thuốc lá; sản xuất sản phẩm hóa chất; sản phẩm từ cao su và plastic đều có mức tăng hơn 10%.
Từ tình hình sản xuất công nghiệp các tháng gần đây và theo đánh giá của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, Tổng cục Thống kê tin tưởng rằng, cùng với sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và sự nỗ lực của doanh nghiệp, hoạt động sản xuất công nghiệp các tháng còn lại của năm 2023 vẫn tiếp tục khởi sắc hơn.
PV: Xuất khẩu sụt giảm là điều hiếm xảy ra với nền kinh tế Việt Nam nhưng từ tháng 9/2023, hoạt động thương mại đã có tín hiệu tích cực khi cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng trưởng dương trở lại. Tổng cục Thống kê đánh giá thế nào về triển vọng xuất nhập khẩu những tháng cuối năm?
Bà Nguyễn Thị Hương: Tính chung 9 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 6,9 tỷ USD) với các sản phẩm chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu cao gồm điện thoại các loại và linh kiện; gỗ và sản phẩm gỗ; thủy sản; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; rau quả; dây điện và cáp điện 585 triệu USD.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ giảm 16,8%; EU giảm 8,2%; ASEAN giảm 5,5%; Hàn Quốc giảm 5,1%.
Đáng lưu ý, khu vực doanh nghiệp trong nước có sự phục hồi mạnh mẽ hơn cả về xuất khẩu và nhập khẩu so với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Từ những tín hiệu tích cực của xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa, có thể kỳ vọng nhu cầu thế giới đang có dấu hiệu hồi phục, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn, từ đó tạo đà cho xuất khẩu của Việt Nam đạt tăng trưởng khá trong những tháng cuối năm cũng như năm 2024.
Động lực phát triển kinh tế quý cuối năm
PV: Kinh tế Việt Nam đang đối diện với yếu tố thuận lợi, khó khăn gì trong những tháng còn lại và từ kết quả thực hiện 9 tháng, Tổng cục Thống kê nhận định gì về khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng đề ra cả năm 2023 là 6,5%, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hương: Tăng trưởng kinh tế quý III đã được cải thiện đáng kể và xu thế phục hồi cũng trở nên rõ nét hơn. Dù còn nhiều khó khăn nhưng từ nay đến cuối năm kinh tế Việt Nam vẫn có triển vọng tăng trưởng từ các yếu tố tích cực.
Đó là về phía cầu, hoạt động đầu tư sẽ được hỗ trợ lớn từ đầu tư công đang được triển khai ráo riết theo cam kết của Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương, trở thành đòn bẩy cho các luồng đầu tư ngoài nhà nước và đầu tư FDI; cầu tiêu dùng sẽ có thể cải thiện do xu thế tiêu dùng thường tăng vào cuối năm.
Về phía cung, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục thể hiện vai trò là “trụ đỡ” vững chắc của nền kinh tế; khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo thoát khỏi vòng suy giảm âm từ đầu năm và có dấu hiệu khởi sắc trong quý III sẽ giảm tối đa áp lực cho tăng trưởng.
Khu vực dịch vụ những tháng cuối năm được dự báo sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng khá; lạm phát được kiểm soát hiệu quả sẽ giúp ổn định dòng tiền là yếu tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất đã giảm và dự kiến lãi suất cho vay khả năng tiếp tục giảm trong thời gian tới sẽ kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và kích thích tiêu dùng của người dân.
Hoạt động xuất nhập khẩu những tháng cuối năm có khả năng được cải thiện do hoạt động sản xuất đã bớt khó khăn và xu hướng tăng nhẹ của hoạt động xuất khẩu những tháng gần đây.
Việt Nam đang tích cực triển khai dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế kinh tế - xã hội. Đây cũng là động lực chính để phát triển kinh tế những tháng cuối năm.
Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức: sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, chưa phục hồi hoàn toàn; hoạt động xuất, nhập khẩu có khả năng chưa thể tăng do tác động tiêu cực từ khó khăn của kinh tế thế giới.
Nhiều doanh nghiệp chưa thoát khỏi khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn do cơ hội phát triển thị trường, đơn hàng sụt giảm; chi phí đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu vẫn cao và có xu hướng gia tăng… Đầu tư nước ngoài vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi các nhà đầu tư chưa mở rộng quy mô đầu tư vào các dự án đang hoạt động ở Việt Nam.
Trên cơ sở các nhận định trên, tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng sẽ được cải thiện trong quý tới. Tuy nhiên, với những khó khăn từ bên ngoài và nội tại nền kinh tế thì tăng trưởng kinh tế sẽ không cao như kỳ vọng.
PV: Vậy Tổng cục Thống kê kiến nghị giải pháp gì để đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể?
Bà Nguyễn Thị Hương: Để kịp thời có giải pháp khắc phục khó khăn, đồng thời chủ động khai thác các cơ hội đạt được kết quả phát triển kinh tế - xã hội cao nhất những tháng tiếp theo trong năm 2023, Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ tiếp tục tập trung triển khai nhanh, hiệu quả các chủ trương, chính sách về tài chính, tiền tệ.
Bên cạnh đó, theo dõi sát và cập nhật kịp thời diễn biến tình hình thế giới, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước có quy mô kinh tế lớn, là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng đối với Việt Nam.
Đồng thời, thực hiện hiệu quả các giải pháp về tiền tệ, lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; điều hành tỉ giá phù hợp; tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu và an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng. Liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để chủ động điều hành, ứng phó với các tình huống phát sinh.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tiêu dùng thông qua các giải pháp tập trung phát triển thị trường trong nước; thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; quyết liệt thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Phát huy tối đa các nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài; tăng cường hợp tác công tư; tích cực, chủ động thu hút FDI có chọn lọc, bảo đảm chất lượng.
PV: Cảm ơn bà đã dành thời gian chia sẻ!.
Xem thêm:
GDP quý III/2023 tăng trưởng 5,33%
9 tháng năm 2023, Việt Nam xuất siêu gần 22 tỷ USD
Hơn 15.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường mỗi tháng
CPI 9 tháng năm 2023 tăng 3,16%, lạm phát trong tầm kiểm soát
Thu nhập bình quân của người lao đông tăng gần nửa triệu đồng