Chiều 10-9, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên xử 29 bị cáo trong vụ án giết người và chống người thi hành công vụ xảy ra ở xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội). Sau gần bốn ngày làm việc, phiên tòa kết thúc phần tranh luận. HĐXX tuyên bố nghị án kéo dài, sẽ tuyên án vào chiều 14-9 tới.
Mong gia đình các liệt sĩ tha thứ
Trong lời nói sau cùng, hầu hết các bị cáo đều bày tỏ sự ăn năn hối lỗi về những hành vi mà mình gây ra vào ngày 9-1-2020, khiến ba chiến sĩ công an hy sinh.
Bị cáo Nguyễn Quốc Tiến khẳng định rất hối hận việc nghe lời bị cáo Lê Đình Công đi mua xăng để chế bom xăng, đốt pháo. Bị cáo nói do “tổ đồng thuận” lôi kéo nên ngày 9-1 mới có mặt ở hiện trường.
Ông Tiến cũng xin gửi lời chia buồn tới gia đình ba liệt sĩ. Bị cáo này thừa nhận dù không trực tiếp gây ra cái chết của ba chiến sĩ công an nhưng hành vi của mình đã gián tiếp hãm hại họ.
Tương tự, bị cáo Lê Đình Doanh cho hay những ngày tháng bị tạm giam đã cắn rứt lương tâm rất nhiều, nhất là khi nghĩ về con gái của một trong ba liệt sĩ. Cháu còn rất nhỏ đã phải chịu nỗi đau mất mát không gì bù đắp được. Cháu lớn lên sẽ không nhận được sự chăm sóc của người cha.
Về phía mình, bị cáo Lê Đình Chức nói cho dù sau này phải chết hay được trở về thì vẫn mong gia đình ba chiến sĩ công an tha thứ, để lương tâm bị cáo được thanh thản phần nào. Bị cáo xin HĐXX xem xét hoàn cảnh gia đình của mình, cha bị cáo (ông Lê Đình Kình) đã mất, đến nay chưa được thắp nén hương; đứa con nhỏ cũng chưa được nhìn mặt…
Là người tiếp theo, bị cáo Lê Đình Công vẫn khẳng định hoàn toàn không bàn bạc, giao nhiệm vụ hay chỉ đạo ai thực hiện điều gì trong ngày 9-1. Bị cáo cũng không hay biết việc ba chiến sĩ công an hy sinh ở thời điểm đó.
Dù vậy, sau khi biết tin, bị cáo vô cùng hối hận, đã thành khẩn, ăn năn hối cải về những sai lầm của mình, mong HĐXX cho hưởng sự khoan hồng, xem xét chuyển tội danh sang chống người thi hành công vụ.
Bị cáo Công nhiều lần nhấn mạnh thời gian bị tạm giam được các cán bộ quản giáo thường xuyên giáo dục, thăm hỏi, động viên, được cấp phát ăn uống đầy đủ.
Một bị cáo khác là Bùi Viết Hiểu cũng thừa nhận những cáo buộc của cơ quan công tố là rất đúng. Bị cáo mong tòa xem xét khi gia đình có anh trai là liệt sĩ, em trai là thương binh chất độc da cam mới qua đời, bản thân bị cáo cũng là thương binh, được tặng nhiều huân chương Kháng chiến chống Mỹ. “Bị cáo vì những sai lầm cuối đời mà vấp ngã, rất mong được cơ hội sửa chữa” - ông Hiểu nói.
Nhiều bị cáo còn lại gửi lời cám ơn tới đại diện VKS khi chuyển tội danh truy tố từ giết người sang chống người thi hành công vụ, hy vọng HĐXX cho hưởng án nhẹ để sớm trở về với gia đình.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: UYÊN TRANG
Không cần thiết trả hồ sơ để điều tra bổ sung
Trước đó, trong phần tranh luận, bị cáo Lê Đình Chức tự bào chữa cho mình. Bị cáo này thừa nhận đổ xăng xuống hố sâu nhưng cho rằng không biết ba chiến sĩ công an đang ở dưới. Chắp tay về phía gia đình ba liệt sĩ, ông Chức nói rất hối hận về hành vi đã gây ra nên chân thành gửi lời xin lỗi.
Bảo vệ quyền, lợi ích cho ba gia đình liệt sĩ, luật sư cho biết đến nay các bị cáo và gia đình chưa khắc phục hậu quả, cũng chưa một lần thăm hỏi phía bị hại. Do đó, luật sư đề nghị HĐXX có một bản án công tâm, khách quan.
Đáng chú ý, đại diện VKS đối đáp nhiều quan điểm của luật sư bào chữa cho các bị cáo đưa ra tại tòa. Điển hình là vấn đề thực thi công vụ của lực lượng công an tại thời điểm ngày 9-1. VKS cho hay tình hình ở thôn Hoành diễn biến phức tạp từ nhiều năm với hàng loạt vụ khiếu kiện đất đai, nhất là vụ bắt giữ trái phép 38 cán bộ công an.
Trong kế hoạch triển khai đảm bảo an ninh trật tự của Công an TP Hà Nội, ngoài lực lượng xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn thì trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn Hoành, trường học... cũng là mục tiêu cần được bảo vệ.
Tuy nhiên, sáng 9-1, khi lực lượng công an vừa đến cổng làng thôn Hoành, các bị cáo đã dùng gạch đá, bom xăng, lựu đạn tấn công. Trước hành vi này, lực lượng công an mới chủ động triển khai bắt giữ những người phạm tội quả tang, đây là hoạt động công vụ đúng pháp luật.
Về quan điểm cho rằng cơ quan điều tra chưa thực nghiệm, chưa làm rõ nguyên nhân tử vong của ba chiến sĩ công an, đại diện VKS khẳng định ngoài biên bản khám nghiệm hiện trường, cơ quan tố tụng còn căn cứ lời khai của các bị cáo và nhiều chiến sĩ công an tham gia làm nhiệm vụ tại thời điểm xảy ra vụ án. Do đó, đại diện VKS cho rằng “không cần thiết phải thực nghiệm hiện trường trong khi nguyên nhân đã rõ”.
Công tố viên cũng nhận định các bị cáo cơ bản đã thừa nhận về hành vi khiến ba chiến sĩ công an hy sinh. Quá trình điều tra đã thực hiện đúng pháp luật từ việc lấy lời khai, thu thập chứng cứ và các tài liệu liên quan. Chính vì thế, đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung của luật sư là không cần thiết.