Amazon tung ra dịch vụ du lịch và trải nghiệm ảo
Chánh Tài
(TBKTSG Online) – Hôm 29-9, tập đoàn Amazon ra mắt dịch vụ du lịch và trải nghiệm ảo Amazon Explore cho phép khách hàng đặt mua các trải nghiệm ảo và trực tiếp được dẫn dắt bởi các hướng dẫn viên và chuyên gia địa phương.
Một số trải nghiệm ảo được chào bán trên trang web của Amazon. Ảnh: Amazon.com |
Ngồi nhà chu du khắp thế giới
Các trải nghiệm này tập trung vào các tour thăm viếng những nơi xa xôi, những công trình văn hóa tiêu biểu cũng như các học các kỹ năng tự làm bao gồm nấu các món ăn và các chuyến đi mua sắm ở các cửa hàng lưu niệm, đặc sản trên khắp thế giới.
Chẳng hạn, khách có thể đăt mua trải nghiệm của một chuyến đi nếm rượu vang ảo ở Argentina, học cách làm món bánh taco nhân cá hun khói của Mexico, viếng thăm ảo ngôi đền nổi tiếng Nanzenji ở Kyoto, Nhật Bản hay dinh thự 500 năm tuổi Casa de Aliaga ở Lima, Peru...
Đối với trải nghiệm nấu ăn, công thức món ăn sẽ được chia sẻ trước với khách hàng để họ có thể vừa xem vừa làm theo khi phiên trải nghiệm bắt đầu. Các tour tham quan và trải nghiệm ảo này cho phép mọi người ngồi ở nhà nhưng vẫn có thể chu du trên toàn cầu trong thời kỳ dịch bệnh nhưng Amazon mới chỉ cho phép khách hàng ở Mỹ đăng ký dịch vụ Amazon Explore dựa trên lời mời.
Các trải nghiệm ảo sẽ được dẫn dắt bởi các chuyên gia địa phương, những người đã được Amazon huấn luyện và hỗ trợ. Họ sẽ sử dụng smartphone hoặc các thiết bị khác để phát video trực tiếp cho người xem. Các phiên trải nghiệm kéo dài từ 30-60 phút và có thể hủy hoặc sắp xếp lại kế hoạch xem bằng một thông báo trước 24 tiếng.
Các phiên trải nghiệm đòi hỏi người xem phải có laptop hay máy tính để bàn và phải sử dụng trình duyệt Chrome, Edge hoặc Safari, có micro kèm bộ tai nghe hoặc loa cũng như tốc độ kết nối internet từ 5 Mbps trở lên. Trong suốt phiên trải nghiệm, người xem có thể đặt câu hỏi hoặc yêu cầu người dẫn dắt tập trung vào một điểm nào đó và bỏ qua điểm khác. Người xem cũng có thể sử dụng biểu tượng camera ở dưới màn hình phát sóng trực tiếp để chụp ảnh.
Amazon cho biết dịch vụ Amazon Explore tạo ra thêm nhiều cơ hội kiếm thu nhập cho các chủ cửa hàng nhỏ, hướng dẫn viên, đầu bếp, nghệ nhân, nghệ sĩ ở địa phương. Mức giá của các phiên trải nghiệm ảo giao động từ 10 đến 200 đô la Mỹ và do người dẫn dắt trải nghiệm ấn định. Chẳng hạn, một phiên trải nghiệm tham quan ảo công viên Central Park ở TP. New York có giá 150 đô la. Amazon không tiết lộ chi tiết về thỏa thuận phân chia thu nhập giữa người dẫn dắt trải nghiệm và Amazon. |
Một số phiên trải nghiệm du lịch ảo có thể cho phép người xem mua sắm. Chẳng hạn, người xem có thể viếng thăm các cửa hàng hay khu chợ địa phương, đặt câu hỏi với người bán hàng và xem cận cảnh các sản phẩm mà họ quan tâm. Họ có thể mua một món hàng nào đó mà họ ưa thích giống như họ đang mua sắm trực tiếp trên Amazon.com.
Khi người xem thực hiện một giao dịch mua, việc thanh toán và giao hàng sẽ được Amazon xử lý thông qua tài khoản của người xem. Sau đó, Amazon sẽ trả lại tiền cho người dẫn dắt trải nghiệm cho món hàng mà họ đã mua giúp người xem.
Vào thời điểm dịch vụ Amazon Explore ra mắt, các phiên trải nghiệm ảo chủ yếu do các công ty điều hành tour địa phương cung cấp. Tuy nhiên, Amazon cho biết những người khác cũng có thể tham gia cung cấp trải nghiệm ảo bao gồm các nhà sử học, nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc sĩ, đầu bếp và bất cứ ai có kỹ năng để chia sẻ. Hiện tại, Amazon Explore đang có 86 trải nghiệm ảo hiện diện ở 16 nước và con số này sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Amazon sẽ mở rộng mảng du lịch?
Dù được xem là bước đi hoàn hảo nhằm nắm bắt kịp thời nhu cầu du lịch trong thời kỳ dịch bệnh, sản phẩm Amazon Explore thực sự đã được thai nghén từ rất lâu trước khi các lệnh phong tỏa được triển khai khắp toàn cầu. Tất nhiên, sự khác biệt là giờ đây, nhu cầu của các du khách tiềm năng đối với dịch vụ du lịch ảo đã tăng lên nhiều. Kèm theo đó, sự quan tâm của các hướng dẫn viên du lịch và những chuyên gia khác với dịch vụ này cũng tăng lên khi công việc kinh doanh của họ suy sụp trong năm nay.
Hongying Tang, chủ công ty điều hành tour HQ Tourism Services ở Quebec, Canada được Amazon tiếp cận và mời tham gia dịch vụ Amazon Explore từ tháng 11 năm ngoái. Cô hơi tò mò nhưng không thấy nhiều nhu cầu vào thời điểm đó khi mà công ty cô đang có một lịch trình bận rộn của các tour trực tiếp.
Nhưng cô bắt đầu quan tâm hơn khi được tham gia phiên bản beta của Amazon Explore hồi đầu năm nay khi cảm nhận rõ tác động của đại dịch Covid-19 đối với công việc kinh doanh của cô. Giờ đây, cô có thể duy trì công việc cho đội ngũ của mình trong khi đó, các công ty điều hành tour khác đóng cửa. Đối với những người dẫn dắt, phí các phiên trải nghiệm ảo này thấp hơn các tour thực tế nhưng bù lại, họ có thể kiếm được nhiều đơn hàng trong một ngày nhờ thời gian của phiên trải nghiệm ngắn.
Thực ra, kể từ sau khi dịch Covid-19 lan rộng khắp thế giới, có nhiều cách để du lịch ảo trên khắp thế giới, chẳng hạn xem các video phát trực tiếp từ YouTube hay tham gia các tour ảo thông qua Google Earth hoặc dịch vụ trải nghiệm ảo của Airbnb.
Song trải nghiệm mà Amazon Explore mang lại có sự khác biệt vì nó chỉ là phiên nối mạng riêng giữa người dẫn dắt (host) và người xem, với video một chiều (chỉ có người xem nhìn thấy người dẫn dắt) và âm thanh hai chiều (người xem và người dẫn dắt có thể trao đổi qua hai với nhau) theo thời gian thực.
Điều này mang lại cho người xem cảm giác như đang thực sự có mặt tại nơi mà người dẫn dắt đang đứng, thay vì chỉ là trải nghiệm xem thụ động video trên màn hình. Hongying Tang cho biết cô nhạc nhiên trước sức mạnh kết nối cá nhân được thiết lập giữa người dẫn dắt sự trải nghiệm và khách hàng.
Dù Amazon chưa công bố các kế hoạch dài hạn với dịch vụ Amazon Explore nhưng không quá khó để hình dung hướng đi của Amazon. Thông qua Amazon Explore, Amazon sẽ xây dựng mối quan hệ với các hướng dẫn viên du lịch trên khắp thế giới và có thể mở rộng sang dịch vụ tour và trải nghiệm trực tiếp khi đại dịch Covid-19 kết thúc.
Từ lâu Amazon được xem là mối đe dọa cạnh tranh tiềm tàng đối các ‘ông lớn’ đặt phòng và dịch vụ du lịch trực tuyến như Expedia Group va Booking Holdings. Tuy nhiên, các nỗ lực xâm nhập vào mảng du lịch của Amazon không mang lại kết quả như kỳ vọng. Chẳng hạn, vào năm 2015, Amazon từng ra mắt trang đặt phòng khách sạn Amazon Destinations nhưng đóng cửa sáu tháng sau đó.
Theo TechCrunch, GeekWire
Xem thêm: lmth.oa-meihgn-iart-av-hcil-ud-uv-hcid-ar-gnut-nozama/168803/nv.semitnogiaseht.www