Doanh nghiệp thủy sản đối mặt nguy cơ thiếu nguyên liệu
Trong sáng 17/9, một hội nghị trực tuyến giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các tỉnh, thành phía Nam, cùng các hiệp hội ngành hàng đã được tổ chức, để cùng đưa ra những giải pháp, tháo gỡ khó khăn giúp phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách.
Theo đó, khó khăn về thiếu nhân công, chi phí logistic neo mức cao, vật tư đầu vào đắt đỏ, chuỗi cung ứng nhiều nơi đứt gãy... là những trở ngại lớn cho việc khối phục lại sản xuất, xuất khâu nông sản từ nay đến cuỗi năm.
Tại hội nghị, Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tính toán trung bình doanh nghiệp khôi phục được 50% công suất cần từ 3 đến 6 tháng, khôi phục 70% công xuất cần từ 9 tháng đến 1 năm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp chế biến thủy sản đang đối mặt nguy cơ vào dịp cuối năm sẽ thiếu nguyên liệu trầm trọng, khi người dân không mặn mà việc tái sản xuất.
Từ thực tế này các doanh nghiệp thủy sản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ xây dựng phương án và cùng làm việc với địa phương, để được phê duyệt phương án khôi phục sản xuất sau giãn cách nhanh nhất.
Doanh nghiệp thủy sản đối mặt nguy cơ thiếu nguyên liệu. Ảnh minh họa - TTXVN.
Doanh nghiệp chế biến thủy sản vượt khó phục hồi sản xuất
Chiếm từ 70 - 75% giá trị kim ngạch chế biến xuất khẩu thủy sản toàn quốc, ĐBSCL được xem là khu vực trọng điểm của ngành hàng quan trọng này. Nắm được tầm quan trọng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh thành phía Nam cần thống nhất, đồng bộ các giải pháp phục hồi kinh tế sau dịch, tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp thủy sản khôi phục chế biến.
Còn trên thực tế, bản thân nhiều doanh nghiệp lớn cũng đã chuẩn bị cho mình những phương án, kiến nghị rất cụ thể để việc phục hồi sản xuất được thực hiện càng sớm càng tốt.
Một trong những doanh nghiệp chế biến tôm lớn vừa đưa ra cảnh báo, nếu nông dân không tích cực nuôi lại tôm thì đến cuối năm, ngành này sẽ thiếu nguyên liệu trầm trọng. Khi công nhân được trở lại nhà máy thì nhà máy lại thiếu nguyên liệu.
Nắm bắt thực tế này, bản thân doanh nghiệp ngay từ đầu tháng 9 đã tích cực khuyến khích nông dân thả tôm và giá tôm đã có dấu hiệu đi lên.
"Ngay từ đầu tháng 9 chúng tôi khuyến khích bà con thả tôm để tháng 10, 11 có tôm nguyên liệu chế biến", ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho hay.
Nếu nông dân không tích cực nuôi lại tôm thì đến cuối năm, ngành này sẽ thiếu nguyên liệu trầm trọng. Ảnh minh họa - Dân trí.
Còn với doanh nghiệp Vĩnh Hoàn quy mô công nhân lên đến hàng nghìn lao động, mỗi tháng họ mất hàng tỷ đồng chi phí test SARS-CoV-2. Trong bối cảnh khó khăn bủa vây như hiện nay, họ mong muốn chi phí này được nhà nước chung tay chia sẻ với họ.
Vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp thủy sản thường kéo dài khắp các tỉnh ĐBSCL vì thế theo họ, các tỉnh cần thống nhất phương án để cho công nhân của họ được vào vùng nguyên liệu thu mua một cách thuận lợi, không cần cách ly dài ngày. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trực tiếp kết nối doanh nghiệp với các tỉnh để tháo gỡ khó khăn này.
Để hoàn thành kế hoạch sản lượng 8,6 triệu tấn thủy sản trong năm nay, từ nay đế đến cuối năm mỗi tháng ngành hàng này cần 725 nghìn/tấn.
Doanh nghiệp xuất khẩu rau quả tìm kiếm thị trường mới
Cần có thêm những thị trường mới cho rau quả Việt Nam. Ảnh minh họa - Báo Đầu tư.
Cũng ngay tại hội nghị ngày 17/9, theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, tình hình xuất khẩu 4 tháng qua giảm liên tiếp, trong đó mức giảm sâu nhất là 22%. Để lấy lại mức tăng trưởng những tháng cuối năm, hiệp hội nhấn mạnh cần có thêm những thị trường mới cho rau quả Việt Nam tránh sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc - nơi tiêu thụ tới 70% rau quả của Việt Nam đang gặp khó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Bộ Công Thương thời gian tới đây tiếp tục thực hiện hội nghị trực tuyến kết nối với các tham tán thương mại của Việt Nam ở các thị trường tiềm năng.
Theo các doanh nghiệp trong thời gian tới họ cần được hỗ trợ để mở rộng thị phần châu Âu, tăng cường giao dịch, mua bán với các nước ASEAN, Ấn Độ và mở rộng thị trường qua khu vực Nam Mỹ, châu Phi để giảm bớt sự lệ thuộc quá lớn vào một thị trường cũng là cách để lấy lại đà tăng trưởng cho xuất khẩu nông sản Việt Nam từ nay đến cuối năm.
VTV.vn - Trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu nông lâm thủy sản là điểm sáng bất chấp dịch COVID-19. Tuy nhiên, gần đây nhiều nhóm nông sản đang giảm tốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.31042735081901202-man-iouc-nas-gnon-uahk-taux-yad-cuht-ed-oan-pahp-iaig/et-hnik/nv.vtv