Một đường dây cho vay nặng lãi tín chấp bằng ảnh khiêu dâm vừa bị cơ quan chức năng triệt phá. Sự việc cho thấy tín dụng đen đang hoạt động ngày càng phức tạp, tinh vi và đòi hỏi những giải pháp ngăn chặn căn cơ, gốc rễ. Đồng thời, nhu cầu để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay “sạch” cũng đặt ra bức thiết.
Thủ đoạn mới, lãi suất hơn 700%/năm
Mới đây, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, vừa triệt phá một đường đây cho vay nặng lãi, tín chấp bằng ảnh khiêu dâm. Cơ quan công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Vân Anh (29 tuổi), Đào Quốc Huy (chồng Vân Anh, 29 tuổi), Bùi Ngọc Thủy (37 tuổi, cùng ở quận Đống Đa) và Khương Thị Tuyến (29 tuổi, ở quận Long Biên) về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Riêng Vân Anh bị khởi tố thêm về tội Cưỡng đoạt tài sản.
Theo tài liệu điều tra, từ cuối tháng 12.2020, Huy và Vân Anh tham gia các nhóm kín trên mạng xã hội liên quan tới hoạt động mại dâm để quảng cáo cho vay tiền theo hình thức bốc bát họ. Đáng chú ý, người muốn vay tiền phải quay clip, chụp ảnh khỏa thân cùng CMND/CCCD, đồng thời cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu điện thoại, các tài khoản mạng xã hội và tài khoản iCloud. Nếu không trả tiền đúng kỳ hạn sẽ bị đăng tải, người vay sẽ bị công khai ảnh khỏa thân lên mạng xã hội.
Đường dây trên bị phát giác khi lực lượng chức năng kiểm tra một nhà nghỉ tại phường Mễ Trì, phát hiện chị N.T.N (quê Nghệ An) đang bán dâm để kiếm tiền trả lãi cho vợ chồng Vân Anh. Theo đó, từ đầu tháng 5, vợ chồng Vân Anh đã cho chị N.T.N vay tiền 7 lần với tổng số tiền 163 triệu đồng, lãi suất 10.000 - 20.000 đồng/triệu mỗi ngày (khoảng 365-730%/năm), mỗi ngày trả lãi và gốc 150.000 - 200.000 đồng hoặc trả lãi 10 ngày một lần. Tổng số tiền thu lợi bất chính từ khoản vay này là hơn 131 triệu đồng.
Quá trình mở rộng điều tra, lực lượng chức năng phát hiện, các đối tượng đã cho gần 1.000 người vay lãi với tổng số tiền lên đến hơn 5 tỉ đồng. Tổng số tiền thu lợi bất chính từ hoạt động này là hơn 1,3 tỉ đồng. Theo phía công an quận Nam Từ Liêm, thủ đoạn của các đối tượng cho vay nặng lãi trong đường dây trên là rất mới, lần đầu xuất hiện trên địa bàn. Vụ việc cho thấy sự tinh vi của tín dụng đen đang ngày càng phức tạp
Tìm giải pháp ngăn chặn
Trao đổi với PV Báo Lao Động, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, theo Bộ luật Hình sự 2015, lãi suất vay trong giao dịch dân sự là do các bên thỏa thuận, song không được quá 20%/năm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu các bên thoả thuận mức lãi suất theo thỏa thuận vượt giới hạn thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Các đối tượng trong đường dây trên cho vay với mức lãi suất hơn 700%/năm nên phải đối mặt với tội danh Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.
Ngoài ra, với chiêu thức bắt người vay quay clip, chụp ảnh khoả thân và đe dọa đăng tải hình ảnh nhạy cảm con nợ nếu không trả tiền đúng hạn, các đối tượng còn có dấu hiệu của tội Cưỡng đoạt tài sản.
Thực trạng tín dụng đen đã trở thành vấn nạn nan giải trong thời gian qua. Theo ý kiến chuyên gia, nguyên nhân quan trọng đến từ việc người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận với nguồn vốn "sạch".
PGS-TS Đặng Ngọc Đức (Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, những biện pháp hạn chế tín dụng đen thời gian qua dù rất mạnh mẽ nhưng mới chỉ tiếp cận dưới góc độ nhà quản lý, trong khi tín dụng đen lại có thể nảy sinh, tồn tại và phát triển dựa trên cả giác độ pháp lý và trên cơ sở thị trường, hay nói cách khác là cung - cầu về vốn.
“Chừng nào các ngân hàng thương mại hay các tổ chức tài chính chính thống chưa đủ phát triển và đáp ứng nhu cầu vốn cũng như nhu cầu tài chính, sinh hoạt hằng ngày của người dân, đặc biệt là người nghèo thì vẫn còn tạo cơ hội cho tín dụng đen phát triển” - ông Đức nói.
Chuyên gia khuyến nghị, để ngăn chặn tín dụng đen vươn vòi bạch tuộc, cần đáp ứng tốt nhất nhu cầu, tạo điều kiện cho người dân sử dụng được tài chính chính thống. Cần có chính sách khuyến khích các ngân hàng thương mại triển khai các gói cho vay.
Còn theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, để ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen, Ngân hàng Nhà nước đang đẩy mạnh, phát triển các công ty tài chính có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước để dần xóa bỏ vấn nạn này.
“Chúng tôi đã và đang triển khai nhiều giải pháp cho các tổ chức tài chính, kể cả các tổ chức tài chính vi mô, cho vay tiêu dùng để làm sao có được nhiều sản phẩm, có nhiều mạng lưới tiếp cận cách thuận lợi, dễ dàng những thủ tục cho người dân khi có nhu cầu vay chính đáng, phục vụ cho các nhu cầu đột xuất. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có một số chấn chỉnh, chỉ đạo đối với các công ty tài chính trong vấn đề thu nợ, lãi suất, phạm vi và cách thức cho vay tiêu dùng để làm sao vừa phục vụ thuận lợi, tất nhiên phải đảm bảo an toàn cho các tổ chức khi cho vay tín dụng” - ông Đào Minh Tú cho hay.
Xem thêm: odl.211869-iv-hnit-gnac-yagn-ned-gnud-nit/taul-pahp/nv.gnodoal