36 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vừa đồng loạt ký tên gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ phản ánh những bất cập trong điều hành của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.
Trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng, các doanh nghiệp cho rằng việc điều hành của Liên Bộ Công Thương - Tài chính thời gian qua có vấn đề, kéo theo những bất ổn thị trường kinh doanh xăng dầu.
Một trong những bất cập được các doanh nghiệp nêu ra chính là việc vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu đang diễn ra ngang nhiên trên thị trường nhưng không có ai bị xử lý.
Cụ thể, theo Nghị định 95 của Chính phủ, doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối bán xăng dầu ra không cao hơn giá bán lẻ do cơ quan nhà nước công bố.
Nhưng thực tế trong quản lý, liên bộ đã để xảy ra tình trạng chiết khấu âm, để các doanh nghiệp phân phối đã tìm cách "lách" quy định để bán ra cho doanh nghiệp bán lẻ với giá cao hơn giá bán lẻ quy định bằng cách thu thêm phí vận chuyển vào một hoá đơn khác theo bảng kê của các hoá đơn xăng dầu đã xuất với chiết khấu bằng 0 đồng.
“Với cách này, khi cộng phí vận chuyển, doanh nghiệp bán lẻ phải mua vào với giá cao hơn giá bán lẻ quy định. Chúng tôi thấy, với quan điểm đè giá, chẳng hạn như giá xăng dầu theo thị trường là 20.000 đồng/lít nhưng muốn điều hành giá còn 19.000 đồng/lít và lấy đó làm thành tích quản lý thì chúng tôi cho rằng việc bất ổn sẽ còn kéo dài. Bởi từ quan điểm đó dẫn đến không tính đúng tính đủ chi phí trong giá cơ sở, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ phải chịu tình trạng giá mua vào cao hơn giá bán ra”, các doanh nghiệp cho hay.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, nếu cơ quan quản lý tính đúng, tính đủ và để doanh nghiệp có lãi đủ để duy trì hoạt động thì không bao giờ có tình trạng đứt nguồn cung như thời gian qua. Vì vậy nhất thiết cần phải thay đổi cách tính giá cơ sở cho phù hợp với tình hình mới.
“Với việc bắt buộc phải mua hàng giá cao để quy trì bán ra theo dạng này, doanh nghiệp bán lẻ xem ra bị đối xử còn tệ hơn người dân bình thường. Việc liên bộ điều hành yếu kém dẫn đến ép buộc doanh nghiệp bán lỗ là một hình thức bức tử doanh nghiệp, gây bất ổn thị trường, dẫn đến chúng tôi đặt vấn đề là bộ máy điều hành có lợi ích nhóm hay không mà làm ngơ để ép doanh nghiệp bán lẻ”, đại diện các doanh nghiệp xăng dầu phản ánh.
Các doanh nghiệp đề nghị khi kinh doanh xăng dầu chưa theo quy luật thị trường một cách hoàn toàn thì cần áp dụng chiết khấu cố định theo định mức đối với doanh nghiệp bán lẻ, tránh tình trạng "thả nổi" chiết khấu.
Các doanh nghiệp cũng cho rằng, việc trích quỹ bình ổn cũng cần xem xét loại bỏ, vì hoạt động không khách quan. Nên đưa công cụ điều tiết bằng thuế sẽ minh bạch hơn, người dân và toàn bộ doanh nghiệp cũng theo dõi được rõ ràng hơn.
Liên quan đến cách tính chi phí xăng dầu hiện nay, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong ngày hôm qua (6/10), liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ đã thống nhất, sớm nhất có thể điều chỉnh phụ phí, chi phí đưa xăng dầu từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng để phản ánh vào giá cơ sở trong kỳ điều hành giá xăng dầu.
Qua đó góp phần giải quyết khó khăn và tăng lợi nhuận của doanh nghiệp xăng dầu, từ đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ. Từ đó cũng tác động đến chiết khấu, nâng chiết khấu các cửa hàng bán lẻ giúp tháo gỡ khó khăn cho các cửa hàng kinh doanh xăng dầu.
“Ngoài ra, chúng tôi cũng có những biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đề nghị các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ, các cửa hàng hài hòa lợi nhuận, chia sẻ khó khăn, rủi ro trong lúc khó khăn như hiện nay”, ông Đông cho hay.
Vị này cũng cho biết, hai Bộ trưởng Tài chính, Công Thương đã thống nhất về nguyên tắc và giao cho Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) làm việc cụ thể để rà soát thống nhất số liệu và phương án, hiện đã có số liệu, cố gắng xử lý sớm nhất có thể.