Dù trời mưa nhưng nhiều người vẫn tập trung tại một phòng giao dịch của SCB |
Trong hai ngày vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện những thông tin không tích cực liên quan đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) dẫn đến hiện tượng người dân đổ xô tới SCB rút tiền tiết kiệm trước hạn.
Trước sự việc này, sáng nay (8/10), trả lời báo chí, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú thừa nhận trong mấy ngày qua, có những thông tin không tích cực về SCB trên mạng xã hội. NHNN cũng đã có thông tin kịp thời trên website NHNN để khẳng định sẽ có những biện pháp nhằm tiếp tục đảm bảo hoạt động liên tục và ổn định cho SCB, đồng thời cũng sẽ có những giải pháp, chính sách theo đúng quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền tại SCB. "Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân có tiền gửi tại SCB cần thận trọng trước khi quyết định rút tiền gửi, nhất là những khoản tiền gửi rút trước hạn vì khi đó sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của mình đáng ra được hưởng về lãi suất có thời hạn tại SCB", Phó thống đốc nói.
Hiện nay có hiện tượng nhân viên ngân hàng khác chào mời các khách hàng rút tiền tại SCB để gửi vào ngân hàng mình; về việc này, NHNN đã có công điện yêu cầu tất cả chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc và các ngân hàng thương mại, giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát để xử lý các trường hợp vi phạm. Việc cán bộ ngân hàng thương mại vận động, lôi kéo khách hàng của SCB rút tiền gửi để gửi sang ngân hàng mình là cạnh tranh không lành mạnh, có thể tạo ra sự bất ổn cho SCB lúc này và mất an toàn chung cho hệ thống ngân hàng thương mại.
Về việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và đặc biệt là an toàn của hệ thống ngân hàng, theo ông Đào Minh Tú, an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng là một trong những vấn đề rất quan trọng trong nhiều năm qua. NHNN và các bộ ngành chức năng đã có nhiều biện pháp, chính sách để đảm bảo an toàn cho cả hệ thống các tổ chức tín dụng.
NHNN đã và sẽ tiếp tục có những biện pháp cụ thể quyết liệt để đảm bảo an toàn hoạt động chung cũng như của SCB; đồng thời có những biện pháp theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền tại ngân hàng. “Chúng tôi cũng mong rằng, những người gửi tiền, những khách hàng vay vốn tại SCB sẽ tiếp tục hợp tác trên tinh thần tích cực, để tạo điều kiện cho sự hoạt động ổn định, liên tục của ngân hàng trong thời gian tới”, Phó thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Theo ghi nhận của phóng viên trên địa bàn TPHCM, đến trưa 8/10, nhiều khách hàng vẫn tụ tập tại một số phòng giao dịch SCB. Tại một số phòng giao dịch SCB trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp, TPHCM phải có lực lượng dân quân tự vệ túc trực để đảm bảo an ninh.
Một số hình ảnh ghi nhận tại Hà Nội, TPHCM:
Khách tập trung rất đông tại SCB quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội trong sáng 8/10 - Ảnh: CTV |
Lực lượng dân quân tự vệ túc trực tại một phòng giao dịch SCB |
Phòng giao dịch đóng cửa nhưng nhiều khách gửi tiền vẫn chưa chịu về |
Nhiều người nhầm lẫn SCB với Sacombank (?) Trưa ngày 8/10, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) phát đi thông báo tới khách hàng, cổ đông và đối tác của mình giải thích rõ Sacombank và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) là hai ngân hàng khác nhau. Trước đó, một số phòng giao dịch của Sacombank cũng ghi nhận lượng người đến giao dịch tăng đột biến do nhiều người nhầm lẫn tên hai ngân hàng. |
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.0084741a-bcs-o-neit-iug-iougn-iol-neyuq-ev-oab-es-coun-ahn-gnah-nagn/nv.moc.enilnounuhp.www