Ảnh: L.ĐIỀN
Ngô Khắc Tài đã sử dụng các chuyển động thời cuộc xung quanh ông làm chất liệu cho văn chương. Không phải thuần túy ghi chép thời cuộc như một số người lầm tưởng, nhà văn chỉ sử dụng chất-liệu-cuộc-đời để làm ra tác phẩm.
Trang văn của Ngô Khắc Tài do đó vừa chính là những mảnh đời của người dân châu thổ sông Cửu Long, lại vừa không chỉ là những gì một người bình thường bắt gặp đâu đó.
Có vậy, người ta mới đến với văn chương chứ. Như ở đây, không dễ gì tìm được ở ngoài đời nguyên mẫu một "tay chơi xứ ruộng" như ông chú của nhân vật xưng tôi trong truyện Những mùa gà chọi.
Nhưng bằng cách kể chuyện của mình, Ngô Khắc Tài vừa dẫn người đọc vào một thế giới riêng biệt của người dân quê ông, vừa đưa ra - thật bất ngờ và sâu sắc - một lưu ý về cảm nhận thế nào là hạnh phúc?
Và một người can đảm dấn bước thiết lập đời sống hạnh phúc cho chính mình như nhân vật ông chú đó, thì phải đánh đổi trả giá và thụ hưởng được những gì.
Điều quan trọng hơn nữa còn là với phong cách sống như vậy, cuộc đời một con người - thông thường vẫn chỉ như chớp lóe ngắn ngủi giữa dòng lịch sử vô tận - còn để lại những ảnh hưởng xa gần nào với cộng đồng xung quanh?
Phần lớn câu hỏi này dành cho độc giả, Ngô Khắc Tài ở đây chỉ thản nhiên làm công việc của mình: ghi nhặt lấy những gì ông cho là đáng kể.
Ấy vậy mà ông làm được một cuộc trình hiện kha khá trong tập Đồng xanh này. Sự trở mình đầy đau đớn của con người nơi đồng ruộng trước cơn đô thị hóa đang ào đến không chỉ ở trong thói quen ăn nhậu mà còn trong chính mối quan hệ ứng xử giữa chủ - khách, vợ - chồng (Bầy chim sổ lồng).
Ngay cả cách tạo dựng một không gian sống sao cho "hợp với thời đại" có khi cũng chính là chỗ khó gặp nhau giữa các thế hệ thành viên trong một gia đình (Ở gốc cây me già ngã).
Lại thoảng khi bắt gặp thân phận người trí thức lạc trong mớ dân tạp cư nơi bối cảnh xã hội nửa quê nửa phố và mọi người đều có mẫu số chung là không ai nhìn ra được quãng đường tương lai liệu sẽ mịt mờ đến đâu (Phố không đèn).
Có một điểm mới thú vị ở tập Đồng xanh này, là người ta bắt gặp Ngô Khắc Tài có một vài dụng công khai thác tâm lý nhân vật theo nhiều chiều hướng.
Có thể là một thói quen quê xứ ngấm sâu vào tiềm thức như Hảnh trong truyện Nhớ khói; lại có khi là một hành trình dài để tập trung phân tích sự hình thành thói quen tính cách một đứa bé từ những cộng hưởng của môi trường sống ngay khi lọt lòng cho đến lúc lớn lên (Dấu mưa xoi); và có khi chỉ là chút phân vân trước tình yêu như cái ngập ngừng liệu có nên đi bước nữa của người cha đang hạnh phúc với hai đứa con (Bầy chim mùa hè) hay anh thầy giáo những muốn một phen vùng lên thoát khỏi cảnh sống đang nhàm chán để theo tiếng gọi sông hồ (Ghe hát về làng)...
Tất cả những mảnh đời châu thổ đó, vừa quen mà lạ, nhưng đều có sức quyến rũ dẫn người ta theo dõi đến hết các trang văn, và có khi từ đó còn nhận ra những dáng dấp này nơi người dân châu thổ sông Cửu Long hôm nay và mai sau nữa, biết đâu.
"Một trong hai cây bút đồng bằng mà tôi kính trọng (người kia là Phạm Trung Khâu). [...] Một lối truyện chan chứa tình, rề rà đời thường đến phát sốt ruột.
Giọng nửa như kể chuyện cho người, nửa như kể cho chính mình nghe, tập truyện điềm đạm bày ra những thân phận mà chúng ta nhìn thấy đâu đó, và nghĩ buồn vui ấy quá bé nhỏ nên đã bỏ qua.
Chỉ nhà văn không bao giờ rời bỏ hiện thực sống động bên mình, ông đem chữ tạo tác lại, giữ chúng thật lâu trên trang sách, làm nên một ký ức dài hạn".
NGUYỄN NGỌC TƯ
TTO - Mưa trên đồng À Na Cút - thêm một quyển hồi ức về chiến trường K - vừa hòa vào dòng sách do các cựu binh chấp bút.
Xem thêm: mth.73053509002012202-oht-uahc-iod-hnam-gnuhn-ut-gnouhc-nav-ueil-tahc/nv.ertiout