Từ ngày 25/10, mức lãi suất điều hành mới đã được Ngân hàng Nhà nước áp dụng. Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,5%/năm lên 1,0%/năm.
Bên cạnh đó, tăng lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô từ 5,5%/năm lên 6,5%/năm.
Hai mức lãi suất khác cũng được tăng mạnh là lãi suất tái cấp vốn, từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm và lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm.
Kiểm soát rủi ro
Trao đổi với Người Đưa Tin về tác động của việc tăng lãi suất, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết, tăng lãi suất huy động đồng nghĩa với việc nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp bao gồm cả những khoản cũ và mới sẽ tăng lên.
"Rõ ràng các đối tác của doanh nghiệp cũng sẽ gặp khó khăn hơn vì chi phí tài chính sẽ tăng lên, điều này là chính yếu nhất. Khi chi phí tăng lên dẫn đến giá đầu ra sẽ có độ trễ và tăng trưởng chậm hơn, khiến một phần nào đó, doanh nghiệp sẽ bị khó khăn hơn", ông nói.
Ngoài ra, ông Lực nhận định, nếu không có động thái này, tỉ giá USD/VND sẽ tiếp tục tăng. Mà trong trường hợp tỉ giá tăng, tức đồng nội tệ giảm thì đương nhiên một số doanh nghiệp xuất khẩu có lợi và một số doanh nghiệp nhập khẩu chịu thiệt. Tuy nhiên việc đó tác động không nhiều và không lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Vị chuyên gia này giải thích, vì nước ta có hơn 70% xuất khẩu từ doanh nghiệp FDI và khoảng 56% nhập khẩu cũng là doanh nghiệp FDI. Đối tượng này có chịu tác động của tỉ giá nhưng không nhiều vì khi giá có thay đổi, có biến động thì họ vẫn tiếp tục công việc của mình.
Từ đó, ông Lực đề xuất, muốn ứng phó với việc này, doanh nghiệp cần phải quan tâm hơn về rủi ro lãi suất và tỉ giá để kiểm soát rủi ro này, có thể thông qua một tổ chức tài chính trung gian như ngân hàng để cùng phối hợp để kiểm soát rủi ro, vì ngân hàng có những công cụ giúp doanh nghiệp quản lý rủi ro. Thứ hai là phải đa dạng hóa đối tác thị trường, kể cả đồng tiền thanh toán.
"Thứ ba, doanh nghiệp cũng phải quan tâm hơn về chất lượng nợ của đối tác vì đối tác ở nước ngoài, hoặc trong nước cũng có thể sẽ bị khó khăn hơn. Rõ ràng hai bên phải thiện chí với nhau để trao đổi, tìm một giải pháp tối ưu, có lợi cho cả hai bên", ông Lực phân tích.
Bên cạnh đó, TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng nhận định, việc tăng lãi suất huy động có thể có tác dụng ổn định cung - cầu tiền và ổn định tỉ giá trước diễn biến tỉ giá ngày càng nóng bằng việc dùng đồng thời cả hai biện pháp tăng lãi suất và bán ngoại tệ.
Ông Nghĩa cũng đề xuất, để làm được điều này cũng cần phối hợp với các chính sách tài khóa. Ví dụ như giảm thuế nhập khẩu để giảm áp lực lạm phát hàng nhập khẩu.
Dòng tiền dịch chuyển
Bàn về tác động của việc tăng lãi suất đến thị trường chứng khoán, ông Nghĩa khẳng định thị trường này sẽ có những tác động tiêu cực. Vì khi lãi suất tăng, các nhà đầu tư sẽ giảm vay ngân hàng để đầu tư vào chứng khoán. Đồng thời thay vì đầu tư vào chứng khoán thì họ sẽ thấy gửi tiền tiết kiệm sẽ mang lời nhiều hơn, nên ít đầu tư vào chứng khoán. Ngoài ra, khi lãi suất huy động tăng cũng tạo ra một tâm lý lo ngại rằng lãi suất này có thể còn tiếp tục tăng thêm nữa.
Đồng quan điểm, ông Lực cũng cho rằng, khi lãi suất huy động tăng lên sẽ có một số lượng người dân tích cực gửi tiền vào hệ thống ngân hàng hơn. Nhưng có những trường hợp nhà đầu tư muốn đầu tư chứng khoán sẽ giữ lại một phần tại thị trường này, tùy thuộc vào dự đoán rủi ro của nhà đầu tư.
"Tuy nhiên, chắc chắn sẽ có một phần dòng tiền dịch chuyển từ những kênh rủi ro, kể cả bất động sản và chứng khoán vào tiền gửi ngân hàng, nhưng số lượng không quá nhiều, vì nhà đầu tư cũng muốn đa dạng hóa và còn đang trong trạng thái nghe ngóng", ông nói.
Vậy nên, vị chuyên gia này gợi ý, tùy thuộc vào quyết định của mỗi người, nhưng nguyên tắc số một của nhà đầu tư là phải hết sức bình tĩnh, tránh tâm lý bầy đàn. Thứ hai là phải đa dạng hóa. Thứ ba là quyết định trên cơ sở thông tin xác đáng nhất định chứ không làm theo phong trào.
Lãi suất còn tiếp tục tăng
Trong báo cáo thị trường tiền tệ mới nhất của Công ty chứng khoán SSI nhận định, trong bối cảnh áp lực tỉ giá gia tăng khi các yếu tố trong và ngoài nước đều không thuận lợi, NHNN đã thực hiện tăng lãi suất điều hành thêm 1 điểm % trước kỳ họp Fed vào tháng 11 tới.
“Do đó, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có thể sẽ tiếp tục tăng thêm 0,5 – 1 điểm % về cuối năm trong bối cảnh các điều kiện tài chính vẫn gặp nhiều khó khăn”, các chuyên gia phân tích của SSI dự báo.
Các chuyên gia của công ty chứng khoán VNDirect cũng dự báo, lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng vào cuối năm 2022. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên mức 6,5-6,7%/năm (bình quân) vào cuối năm 2022.
Đối với năm 2023, lãi suất huy động tiếp tục tăng thêm khoảng 50 điểm cơ bản, theo đó lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại sẽ tăng lên 7,0 - 7,2%/năm (bình quân) vào cuối năm 2023.
Về lãi suất cho vay, ông Nghĩa dự báo lãi suất cho vay sẽ tăng thêm khoảng 1% sau lần điều chỉnh lãi suất điều hành này. Tuy nhiên, lãi suất cho vay luôn có độ trễ so với lãi suất huy động. Vì vậy, lãi suất huy động tăng tới đây cũng không có nghĩa lãi suất cho vay sẽ tăng tương ứng mà có thể tăng thấp hơn hoặc cao hơn.
Đồng quan điểm, ông Lực cũng cho rằng khả năng lãi suất cho vay sẽ tăng lên nhưng mức độ chậm hơn và ít hơn, theo yêu cầu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là phấn đấu ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Hoặc trường hợp có tăng thì cũng phải hết sức tính toán để đảm bảo không ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.