Người lao động nghe tư vấn pháp luật trước khi sang Hàn Quốc làm việc - Ảnh: GIA ĐOÀN
Đó là thông tin được bà Yun Jae Yeon - trưởng văn phòng đại diện Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) tại Việt Nam - cho biết khi nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước này đang tăng tuyển dụng nhân lực nước ngoài cuối năm 2022, dẫn tới lo ngại lao động Việt Nam có thể bỏ trốn, làm việc bất hợp pháp.
Theo bà Yun Jae Yeon, hạn ngạch tuyển dụng dành cho mỗi quốc gia đến Hàn Quốc dựa theo "tỉ lệ cư trú bất hợp pháp" hoặc mức độ ưa thích của người sử dụng lao động. Có nghĩa là nước nào muốn tăng hạn ngạch lao động cần giảm tỉ lệ lao động cư trú bất hợp pháp.
Hiện Hàn Quốc tạm dừng tuyển lao động theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) hết năm 2022 với các huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh), TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương), huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) và huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa). Đây là những nơi có số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên và tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn từ 27% trở lên.
"Chúng tôi đề nghị Chính phủ Việt Nam cùng các cơ quan liên quan quan tâm hơn nữa đến vấn đề này. Lao động cư trú bất hợp pháp có thể bị phạt tù tới 3 năm và phạt tiền lên tới 30 triệu won (hơn 500 triệu đồng) và hạn chế nhập cảnh vào Hàn Quốc. Do đó, lao động tự nguyện về nước khi đã hết hạn hợp đồng (4 năm 10 tháng) sẽ có cơ hội sang Hàn Quốc làm việc thêm một lần nữa", bà Yun cho hay.
Bà Yun Jae Yeon - trưởng văn phòng đại diện Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) tại Việt Nam - Ảnh: HÀ QUÂN
Để giảm và phòng tránh lao động bất hợp pháp, Bộ Tư pháp và Bộ Việc làm lao động Hàn Quốc đang tiến hành rà soát, kiểm tra các công ty có nhân lực nước ngoài. Đồng thời, nước này cung cấp các chương trình đào tạo nghề, đào tạo tiếng Hàn, khóa khởi nghiệp, giới thiệu việc làm để lao động người Việt tái ổn định cuộc sống khi về nước, kể cả công ty Hàn Quốc ở Việt Nam.
"Chính phủ Hàn Quốc tuyệt đối sẽ không khoan thứ hay bỏ qua đối với những hành vi cư trú bất hợp pháp hay các hành vi trái pháp luật khác", bà Yun Jae Yeon nêu rõ.
Còn ông Nguyễn Gia Liêm, phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), đưa ra một số giải pháp ngăn chặn lao động bỏ trốn như tuyển chọn, đào tạo lao động thật kỹ trước khi sang Hàn Quốc; người làm việc ở Hàn Quốc cần được hỗ trợ khó khăn về sinh hoạt, sức khỏe kịp thời.
Lao động đi Hàn phải ký quỹ 100 triệu đồng để đảm bảo việc thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn. Người thuộc hộ nghèo, cận nghèo khi tham gia Chương trình EPS được vay vốn 100% tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Về nước, người lao động mới phải thanh quyết toán tiền ký quỹ.
Theo ông Liêm, cuối năm 2022 là thời điểm để thanh niên vùng trung du, miền núi hoặc huyện nghèo "rộng cửa" đi làm việc ở Hàn Quốc, Nhật Bản… Người có kinh tế khó khăn có thể tham gia các chương trình phi lợi nhuận như Chương trình EPS (lương 1.400 - 1.800 USD/tháng), Chương trình đưa thực tập sinh sang thực tập tại Nhật Bản IM Japan (1.200 - 1.400 USD/tháng)…
Người lao động tìm hiểu thông tin, liên hệ Cục Quản lý lao động ngoài nước qua điện thoại 024.3824.9517 hoặc website: dolab.gov.vn.
Ngày 25-10, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online liên quan vấn đề người Việt đi du lịch rồi trốn ở lại lao động bất hợp pháp, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng khác trong nước sẽ phối hợp thực hiện các biện pháp giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng công dân Việt Nam lợi dụng hình thức du lịch để tìm cách cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
TTO - Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận có việc gần 100 người Việt biến mất sau khi nhập cảnh với lý do du lịch qua sân bay Yangyang của tỉnh Gangwon, Hàn Quốc, khiến các hãng bay và công ty du lịch liên quan phải tạm dừng đưa khách đến hết ngày 31-10.