Mặc dù đã có quy định mới “siết” quản lý hàng xách tay, thế nhưng thị trường hàng xách tay vẫn mua bán rất sôi động, cần số lượng bao nhiêu cũng có.
"Muốn mua bao nhiêu cũng có"
Hôm nay (15.10), Nghị định 98/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực.
Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên Lao Động, dọc một số tuyến phố trung tâm Hà Nội, nhiều cửa hàng bán xen lẫn hàng xách tay, cùng với hàng nhập khẩu chính ngạch.
Tại cửa hàng ở ngõ 165 Trần Quốc Vượng (Cầu Giấy, Hà Nội), một nhân viên khệ nệ bê những thùng hàng mới về kho để bán. Chủ cửa hàng này cho hay, cửa hàng nhập các sản phẩm dầu gội đầu, sữa tắm, son là chủ yếu.
Khi PV đề cập tới việc từ ngày 15.10, buôn bán hàng xách tay nhập lậu sẽ bị xử phạt rất nặng, chủ cửa hàng "lờ đi", không nói gì.
Ở một cửa hàng khác, để tạm thời tránh sự chú ý của lực lượng quản lý thị trường, hiện chị H, chủ cửa hàng bán đồ xách tay Hàn Quốc ở đường Xuân Thuỷ (Cầu Giấy) chỉ bán online. Chị cho biết nếu có khách hàng hỏi mua cũng kiểm tra thông tin kỹ hơn, vì sợ cơ quan chức năng đóng giả làm người mua hàng.
Ngoài ra, chủ buôn tiết lộ thêm, nếu đăng bán sản phẩm lên mạng xã hội sẽ làm mờ logo, hoặc che một nửa tên sản phẩm, đồng thời thêm các dấu ký hiệu vào tên thương hiệu để tránh sự truy quét của an ninh mạng.
Ở phố Nguyễn Sơn (Long Biên, Hà Nội), “điểm đến thân quen” của những tín đồ sính hàng ngoại, các cửa hàng vẫn bày bán sản phẩm, việc mua bán diễn ra tấp nập.
Một cửa hàng mỹ phẩm ở ngõ 158 phố Nguyễn Sơn, theo bật mí của chủ cửa hàng, thời điểm này khách đến mua vẫn đông nhưng chủ yếu là người mua buôn.
Các mặt hàng gắn mác "xách tay" được rao bán tràn lan chủ yếu là mỹ phẩm, đồ gia dụng, thực phẩm chức năng có xuất xứ từ Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… Phần lớn những sản phẩm này đều có bao bì, nhãn mác nước ngoài mà không có nhãn phụ hay hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt.
Siết chặt hàng xách tay là nhiệm vụ trọng tâm
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) khẳng định, việc nâng khung xử phạt theo Nghị định mới là cần thiết, nhằm tăng cường tính răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật. Mặc dù vậy, việc xử phạt còn gặp khó.
"Trong Nghị định 98 năm 2020, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đã được nâng cao hơn rất nhiều. Đó cũng là kênh giúp cho việc đấu tranh hiệu quả hơn với các hành vi vi phạm của tổ chức cá nhân trong việc kinh doanh buôn bán hàng hóa nhập lậu nói chung, hàng hóa xách tay nói riêng.
Đặc biệt, tới đây, lực lượng quản lý thị trường sẽ xây dựng các chương trình, kế hoạch, phối hợp với các đơn vị như hải quan, thuế, các đơn vị chức năng khác để tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn việc vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới cũng như các cơ sở kinh doanh gắn mác các loại hàng xách tay Nhật, Mỹ, Pháp, Úc trên chính thị trường nội địa…
Đó cũng chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng quản lý thị trường từ nay đến cuối năm", ông Minh cho hay.
Xem thêm: odl.344548-pan-pat-nav-yat-hcax-gnah-nab-aum-cul-ueih-oc-89-hnid-ihgn-uad-yagn/et-hnik/nv.gnodoal