Ồ ạt chuyển nhượng
Chị Vũ Hương Giang (TPHCM) cho biết, cuối tháng 10/2011, nghe theo lời nhân viên một ngân hàng, chị đã rút khoảng 1 tỷ đồng đang gửi tiết kiệm trong ngân hàng với lãi suất 6,2%/năm để chuyển sang mua trái phiếu của Công ty cổ phần Bất động sản BNP Global với lãi suất là 10,5%/năm, kỳ hạn 20 tháng. Lô trái phiếu này được đảm bảo bằng toàn bộ 58,7 triệu cổ phần của Global tại ngân hàng nơi chị Hương Giang đang gửi tiết kiệm.
“Gần đây, xuất hiện một số thông tin không tốt liên quan đến công ty mẹ của doanh nghiệp (DN) mà Global hợp tác nên tôi quyết định chuyển nhượng toàn bộ trái phiếu đang nắm giữ để tránh rủi ro. Tôi đã rao khắp các hội, nhóm chuyên về trái phiếu trên mạng nhưng đến nay vẫn chưa chuyển nhượng được” - chị Hương Giang nói.
Anh Nguyễn Văn Hậu (TPHCM) cũng đang rao chuyển nhượng gần 2 tỷ đồng trái phiếu của một công ty bất động sản với lãi suất 10,925%/năm, kỳ hạn 12 tháng, ngày đáo hạn là 7/3/2023. Một số trái chủ khác cũng đang rao bán trái phiếu của Công ty cổ phần Quang Thuận, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, Công ty TNHH Saigon Glory, trái phiếu của một số ngân hàng lớn, chấp nhận lỗ về lãi suất và chỉ mong nhận lại tiền gốc.
Nhà đầu tư đua nhau rao chuyển nhượng trái phiếu trước hạn trên mạng xã hội |
Chị B.L. (TP.Hà Nội) cho biết, tháng 3/2022, đến kỳ đáo hạn sổ tiết kiệm, chị được nhân viên ngân hàng tư vấn mua trái phiếu của An Đông, bên bán là Công ty Chứng khoán Tân Việt, lãi suất là 8,6%/năm, cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm khoảng 1,5%. Chị L. gom hết tài sản được gần 3 tỷ đồng, mua trái phiếu này. Kỳ đầu, chị L. nhận lãi đúng như cam kết, nhưng qua tháng Chín, tiền lãi bị chia làm 3 đợt. Chị L. dự định đến tháng Mười sẽ rút hết tiền về tài khoản nhưng chưa kịp rút thì dàn lãnh đạo của công ty này bị khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Với những lô trái phiếu đã đến hạn thanh toán, các trái chủ cũng trầy trật đòi lại tiền. Chị P.T. - đại diện một nhóm người đang nắm giữ lô trái phiếu trị giá 60 tỷ đồng của Công ty cổ phần Louis Holding - cho biết, ngày 25/8 là thời hạn mà công ty này phải trả lại toàn bộ nợ gốc cho nhà đầu tư nhưng đến nay, các nhà đầu tư vẫn chưa nhận được gì.
Hiện tại, trước sức ép của nhà đầu tư, nhiều DN phát hành trái phiếu phải ra thông báo mua lại trái phiếu trước hạn. Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 9/2022, tổng giá trị trái phiếu mà DN đã mua trước hạn là hơn 28.800 tỷ đồng, tăng gần 200% so với cùng kỳ năm trước. Còn tính chung 3 quý đầu năm 2022, có tới 142.200 tỷ đồng trái phiếu được các DN mua trước hạn.
Việc mua lại trái phiếu trước hạn xuất hiện rầm rộ sau khi các lô trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy. Thêm vào đó, Nghị định 65/2022 quy định, DN phải mua lại trái phiếu trước hạn nếu vi phạm phương án phát hành.
Nhà đầu tư trái phiếu cần bình tĩnh
Trong tháng 10/2022, VBMA không ghi nhận có đợt phát hành trái phiếu nào. Còn tính từ đầu năm đến nay, giá trị phát hành trái phiếu giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước làn sóng nhà đầu tư trái phiếu ồ ạt rút tiền, các DN phát hành có nguy cơ đứt gãy dòng tiền.
Theo ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam - các nhà đầu tư nên bình tĩnh, không nên rút trái phiếu trước hạn bởi các DN phát hành trái phiếu đều hoạt động theo Luật DN và trái phiếu là một khoản nợ. Trong trường hợp xấu nhất, chẳng hạn DN có sai phạm, cơ quan quản lý sẽ ưu tiên xử lý các khoản nợ, giúp nhà đầu tư thu hồi vốn.
Ông Trương Hiền Phương cho hay, từ nay đến cuối năm, sẽ có nhiều DN đến hạn thanh toán trái phiếu (trong quý IV/2022, có khoảng 85.000 tỷ đồng trái phiếu cần đáo hạn). Các DN hoạt động tốt, phát triển lành mạnh đều có kế hoạch trả nợ, đáo hạn trái phiếu mà ví dụ rõ nhất là có nhiều DN chủ động mua lại trái phiếu trước hạn.
Ông khuyên nhà đầu tư nên tham khảo các báo cáo lưu chuyển tiền tệ của DN để củng cố niềm tin. DN có nhiều cách xử lý khi trái phiếu đến hạn, như gia tăng bán hàng, tạo dòng thu nhập để thanh toán cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư chỉ nên cẩn trọng với những DN kinh doanh kém cỏi, nhập nhèm trong việc sử dụng dòng vốn.
“Thời gian qua, có tình trạng nhân viên ngân hàng tư vấn lập lờ về trái phiếu, khiến nhà đầu tư nghĩ rằng trái phiếu giống như sổ tiết kiệm ngân hàng. Các ngân hàng nên nói rõ với khách hàng về sản phẩm trái phiếu, đăng công khai trên trang web của mình mọi thông tin về sản phẩm trái phiếu như cách sử dụng nguồn vốn từng giai đoạn, cách trả lãi” - ông Trương Hiền Phương đề nghị.
Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc điều hành Công ty luật ANVI - cho rằng, rút tiền trái phiếu trước hạn theo kiểu đám đông có thể khiến một DN đang hoạt động bình thường trở nên mất thanh khoản do không thể chi trả khoản tiền lớn cùng một lúc. Với những trái phiếu liên quan đến những DN có sai phạm thì nhà đầu tư phải chờ cơ quan chức năng xử lý.
Theo tiến sĩ Lê Đạt Chí (Khoa Tài chính, Trường đại học Kinh tế TPHCM), trước khi ra quyết định chuyển nhượng, người sở hữu trái phiếu cần kiểm tra xem trái phiếu có được đảm bảo tài sản khi phát hành hay không, thời hạn như thế nào. Nếu có tài sản đảm bảo thì nhà đầu tư nên nắm giữ thay vì chuyển nhượng lại cho các nhà phân phối trước đây bởi giao dịch này có thể thua lỗ.
Ông giải thích, thời gian qua, một số DN chấp nhận mua lại trái phiếu trước hạn là do đã sử dụng vốn sai mục đích. Nếu không vi phạm điều khoản phát hành thì DN không có trách nhiệm mua lại trái phiếu mà chỉ thực hiện đúng cam kết trong hồ sơ phát hành. Các tổ chức phân phối cũng không có nghĩa vụ phải mua lại trái phiếu khi nhà đầu tư có nhu cầu rút tiền trước thời hạn. Khi gửi tiết kiệm ngân hàng, người gửi được rút tiền gửi trước hạn, nhưng khi mua trái phiếu thì không được rút trước hạn.
Tiến sĩ Lê Đạt Chí cho rằng, thị trường trái phiếu là thị trường của niềm tin. Do đó, muốn phát triển thị trường trái phiếu, cần phát triển niềm tin của người nắm giữ. Vào tháng 7/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 86 về phát triển thị trường vốn đến năm 2025, trong đó có thị trường trái phiếu. Để phát triển trái phiếu, cần phải xây dựng niềm tin ngay từ lúc này. Mục đích của trái phiếu là huy động vốn trong dân để phục vụ cho sự phát triển.
Theo ông, Chính phủ cần có giải pháp xây dựng niềm tin. Theo đó, các tổ chức phát hành phải có trách nhiệm gần như bắt buộc đối với trái phiếu đó; các nhà phân phối (đơn vị mua đi, bán lại) phải có trách nhiệm mua lại bởi chính các đơn vị này không minh bạch trong việc bán lại cho người dân.
“Người dân có nhu cầu mua bởi hy vọng sinh lời tốt hơn gửi tiết kiệm ở ngân hàng, còn DN cũng đa dạng hóa nguồn vốn. Nếu người dân mất niềm tin thì Nghị quyết 86 khó bề đi vào cuộc sống”- tiến sĩ Lê Đạt Chí nói.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã có báo cáo gửi Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm câu hỏi chất vấn tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Trong đó có nêu Thanh tra Chính phủ sắp thanh tra hoạt động phát hành và sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu DN, những vụ việc khác liên quan đến trái phiếu DN, thị trường chứng khoán, gây ra hệ lụy đối với việc phát triển bền vững thị trường vốn, xã hội và mất niềm tin của người dân, nhà đầu tư. Ông Đoàn Hồng Phong cho biết, một số cuộc thanh tra còn chậm ban hành kết luận là do nhiều cuộc có phạm vi và quy mô lớn, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều đối tượng, tính chất phức tạp nên cần phải xem xét, xử lý thận trọng, mất nhiều thời gian. Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường trách nhiệm của cơ quan thanh tra, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, nhất là thu hồi tài sản và xử lý của các tổ chức, cá nhân vi phạm… Trước đó, tháng 12/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện yêu cầu Bộ Tài chính thanh kiểm tra việc phát hành, sử dụng vốn thu được từ trái phiếu DN, nhất là trái phiếu riêng lẻ của các DN bất động sản, ngân hàng có liên quan tới DN bất động sản. |
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.4607741a-hnit-hnib-nac-peihgn-hnaod-ueihp-iart-uuh-os-iougn/nv.moc.enilnounuhp.www