Tại Hội thảo "Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Niềm tin và giải pháp" do Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp tổ chức ở TP HCM ngày 30-11, các chuyên gia cho rằng trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn rất tốt, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh bất động sản.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2020 tương đương 15,1% GDP và 10,3% tổng dư nợ tín dụng. Điều này cho thấy kênh huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp đã đóng vai trò quan trọng trong việc khai thông nguồn vốn cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam.
Năm 2019, lãi suất trái phiếu ở mức hợp lý, khoảng 8,5%, còn lãi suất vay ngân hàng 9-10%, lãi suất huy động 6-7%. Sang năm 2020-2022, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp đã vượt xa lãi suất ngân hàng nên có phần rủi ro. Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn nhận thấy xứng đáng để họ mua trái phiếu doanh nghiệp.
Theo ông Hiển, nếu xét về quan hệ "thu nhập - rủi ro" thì lãi suất trái phiếu doanh nghiệp ở mức 14%/năm như hiện nay là không cao. Ngay như các công ty tài chính cho vay tiêu dùng tín chấp thấp nhất cũng tới 24%/năm. Ngoài ra, bản chất của lãi suất 14%/năm mà doanh nghiệp chấp nhận được là do họ khó tiếp cận tín dụng dù có tài sản thế chấp. Chưa kể, do giai đoạn 2020-2022 nền kinh tế cũng như doanh nghiệp thâm dụng vốn rất lớn, trong đó công ty bất động sản và xây dựng bình quân 7 đồng vốn mới tạo ra 1 đồng lợi nhuận vì không bán được hàng, không có doanh thu nên khó chồng khó.
"Do khó khăn dòng tiền nên hiện nay, có doanh nghiệp đã chấp nhận vay 3%/tháng, thậm chí có nơi chịu lãi suất đến 4%/tháng để duy trì hoạt động và có thế chấp hẵn hoi chứ không phải là vay tín dụng đen. Vì thế, việc huy động trái phiếu doanh nghiệp không tín chấp 14%/năm không phải là quá cao" - ông Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.
Các chuyên gia tham dự hội thảo về trái phiếu doanh nghiệp sáng 30-11
Chuyên gia tài chính ngân hàng - TS Trịnh Đoàn Tuấn Linh dẫn số liệu cho thấy trong giai đoạn 2018-2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng bình quân 40%/năm.
Năm 2020, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam chiếm 15% so GDP, trong khi các nước rất cao, như Thái Lan (22,7%), Singapore (36,5%) và Malaysia (54,3%)…
Như vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn được xem là giai đoạn mới phát triển. So với những nước trong khu vực như Singapore và Malaysia, tổng giá trị phát hành vẫn chiếm tỉ lệ nhỏ.
Do đó, tiềm năng phát triển của thị trường này vẫn còn rất lớn, đặc biệt sau khi cơ quan quản lý nhà nước đã có những quy định sửa đổi với mục tiêu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư cũng như nâng cao chất lượng của thị trường vốn.
Xem thêm: mth.49594355103112202-nol-tar-noc-ueihp-iart-gnourt-iht-auc-neirt-tahp-gnan-meit/et-hnik/nv.moc.dln