Theo Tỉnh ủy Thanh Hóa, qua nửa nhiệm kỳ triển khai Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần tạo dựng thế và lực mới cho phát triển. Thanh Hóa đã và đang trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn.
Thành quả ấn tượng giữa nhiệm kỳ
Trong nửa nhiệm kỳ 2020-2025, cùng với cả nước, Thanh Hóa bước vào triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 (gọi tắt là nghị quyết), trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức khó lường và cả những vấn đề mới. Nhưng với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, ý chí quyết tâm cao, Thanh Hóa đã vượt qua thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Đến nay, Thanh Hóa đã vươn lên đứng thứ 5 cả nước (sau Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hậu Giang) về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân trong cùng giai đoạn 2021-2023, với con số ấn tượng ước đạt 9,69% (năm 2021 đạt 9,44%, năm 2022 đạt 12,4%, năm 2023 ước đạt 7,29%); đứng thứ ba trong nhóm 10 tỉnh/thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước.
Thu ngân sách Nhà nước tăng cao, với tổng thu ba năm (2021-2023) ước đạt 132.418 tỉ đồng (vượt dự toán hằng năm); trong đó, năm 2022 đạt 51.173 tỉ đồng (cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 9 cả nước). Tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hàng năm ước đạt 11,3%, cao hơn mục tiêu nghị quyết là tăng 10% trở lên.
Với quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2023 ước đạt 279.074 tỉ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, Thanh Hóa đã vươn lên đứng thứ tám cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020.
Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa; trong đó tỉ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 17,3% năm 2020 xuống còn 13,8%; ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 41,8% lên 48,4%; ngành dịch vụ giảm từ 33,9% xuống 31,8% và thuế sản phẩm giảm từ 7% xuống 6% (năm 2023). Năng suất lao động xã hội liên tục tăng, với tốc độ tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2023 ước đạt 12,65% (cao hơn so với mục tiêu nghị quyết là 9,6%).
Để thu hút các nguồn lực cho phát triển, tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2023 ước đạt hơn 409.000 tỉ đồng, bằng 54,6% mục tiêu nhiệm kỳ.
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 201 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 29 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 38.665 tỉ đồng và 366,7 triệu USD. Điều chỉnh tăng vốn cho 15 dự án với số vốn 90,9 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 15 dự án, với số vốn tăng thêm 90,9 triệu USD.
Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 150 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 14,6 tỉ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ, đứng thứ tám cả nước về thu hút FDI.
Khu Kinh tế Nghi Sơn phát triển nhanh và bền vững
Trong định hướng phát triển nhanh và bền vững, tỉnh Thanh Hóa xác định Khu Kinh tế Nghi Sơn trở thành đầu tàu để kéo cả nền kinh tế của tỉnh phát triển toàn diện, trong đó có ngành công nghiệp hóa dầu, công nghiệp cơ khí, cảng biển, du lịch biển… nhằm đưa Thanh Hóa đến năm 2025 nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.
Với vai trò và vị thế đã được khẳng định, Khu Kinh tế Nghi Sơn đã và đang trở thành đầu tàu kéo cả nền kinh tế của Thanh Hóa tiến về phía trước.
Khu Kinh tế Nghi Sơn đang từng bước được xây dựng trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, đô thị, dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước.
Đây là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, là đầu mối quan trọng, nơi trao đổi hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan và vùng phụ cận Thanh Hóa.
Từ năm 2021 đến nay, Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 69 dự án đầu tư trực tiếp (19 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư 15.868 tỉ đồng và 168 triệu USD. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ - thương mại ước đạt 546.143 tỉ đồng; tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 9.505 triệu USD; thu ngân sách Nhà nước ước đạt 52.747 tỉ đồng.
Bên cạnh Khu Kinh tế Nghi Sơn, với tiềm năng, lợi thế sẵn có, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định sáu hành lang kinh tế lớn của tỉnh Thanh Hóa, bao gồm: hành lang kinh tế ven biển, hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, hành lang kinh tế Đông Bắc, hành lang kinh tế trung tâm và hành lang kinh tế quốc tế.
Với việc xây dựng và tập trung phát triển sáu hành lang kinh tế lớn, tỉnh Thanh Hóa hướng đến kết nối với thủ đô Hà Nội, các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung bộ và nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Đồng thời, làm cơ sở để quy hoạch và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là giao thông, cảng biển, cảng hàng không.
Từ đó, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Đến nay, qua nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện nghị quyết đại hội, sáu hành lang kinh tế lớn này cũng đang dần định hình được vóc dáng.
Phát biểu kết luận hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 hồi tháng 10 vừa qua, ông Đỗ Trọng Hưng - ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo: để sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2025 trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà cần phát huy những thành tích đã đạt được, thực hành phong cách làm việc khoa học, sâu sát, cụ thể, gần dân, trọng dân, hiểu dân, vì dân, bám sát thực tiễn.
Những con số thống kê về hiệu quả tăng trưởng kinh tế từ đầu nhiệm kỳ đến nay là sự phản ánh hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa, sự vào cuộc đồng bộ, nghiêm túc, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương.
Đặc biệt là việc xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, biến đó thành nguồn lực cho phát triển.
Tỉnh Thanh Hóa đã tập trung cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội, nhằm đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới của Tổ quốc.
Thanh Hóa muốn nâng cấp sân bay, đón khách du lịch quốc tế Luôn đứng tốp đầu cả nước về việc thu hút khách nhưng cơ cấu nguồn khách của du lịch Thanh Hóa lại có sự chênh lệch khá rõ do thiếu sản phẩm du lịch đa dạng. | Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bắt tay làm du lịch “Một hành trình - bốn điểm đến - nhiều trải nghiệm” là thông điệp mà bốn tỉnh muốn mang đến cho du khách trong tour du lịch liên kết trải nghiệm năm 2023. | Các khu du lịch biển ở Thanh Hóa kín du khách TTO - Trong hai ngày 9 và 10-4 kỳ nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, hàng chục nghìn du khách đã đổ về các khu du lịch biển TP Sầm Sơn, Hải Tiến ở huyện Hoằng Hóa và Hải Hòa ở TP Nghi Sơn. |