Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VMIC - mã chứng khoán: MVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020, báo cáo đầu tiên sau cổ phần hóa.
Doanh thu thuần đạt 2.437 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ; lợi nhuận gộp 415 tỷ đồng, giảm 6%. Điểm sáng đến từ hoạt động của các liên doanh, liên kết; do tái cơ cấu mạnh, nhóm này báo lãi 47 tỷ đồng trong quý so với khoản lỗ 14 tỷ đồng của cùng kỳ.
Chi phí quản lý doanh nghiệp 224 tỷ đồng (tương đương cùng kỳ) và chi phí tài chính 145 tỷ đồng (chủ yếu là lãi vay) là hai gánh nặng chính ăn mòn lợi nhuận cuối cùng của VMIC. Cùng với đó, khoản lỗ khác trong kỳ 182 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm ngoái lãi 123 tỷ đồng.
VMIC lỗ sau thuế 74 tỷ đồng trong quý 3, phần lỗ thuộc về công ty mẹ 58 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của VMIC đạt 7.356 tỷ đồng, giảm 11%; lợi nhuận ròng 60 tỷ đồng so với mức lỗ 255 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Năm ngoái, VMIC lỗ do bán tàu và xử lý tài sản không hiệu quả trước khi chuyển sang công ty cổ phần.
Trong năm nay, thị trường vận tải biển đi xuống, giá cước vận tải giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến cho hoạt động của VMIC khó khăn.
Doanh thu các mảng dịch vụ chính của toàn công ty như vận tải, cảng biển, dịch vụ hàng hải đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Tuy vậy, nhờ hoạt động tái cơ cấu mạnh, giảm số lỗ phải chịu từ các công ty liên doanh liên kết.
Sau khi chuyển thành công ty cổ phần, công ty mẹ - VMIC phải thực hiện phân bổ, trích lập các tồn tại về tài sản, công nợ tồn đọng trong giai đoạn doanh nghiệp Nhà nước chưa được xử lý.
Các yếu tố cần phân bổ, trích lập bổ sung bao gồm: nợ phải thu khó đòi, đầu tư tài chính dài hạn, giảm giá hàng tồn kho, dự phòng chi phí các dự án dở dang tồn đọng (dự án Vân Phong, Lạch Huyện).
Xem thêm: mth.26122755130110202-aoh-nahp-oc-uas-neit-uad-yuq-gnort-gnod-yt-47-ol-iah-gnah-yt-gnoc-gnot/nv.ahos