Bàn về vấn đề này, đại biểu Bùi Thị Thủy (Thanh Hóa) cho rằng việc quy định vận tải ô tô được quy định tại khoản 4 Điều 60 của dự thảo luật thì chỉ cần tổ chức hoặc cá nhân thực hiện ít nhất một trong các công đoạn gồm điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định các giá cước vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi thì đều được coi là thực hiện hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
“Quy định như trên sẽ dẫn đến việc các tổ chức cung cấp các dịch vụ sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ kết nối cho xe ô tô như dịch vụ công nghệ của Grab, GoViet... sẽ bị coi là các tổ chức kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Đối chiếu với thực tiễn hiện nay, các tổ chức, cá nhân cung cấp các dịch vụ sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ kết nối cho xe ô tô như Grab, GoViet thực hiện các việc kết nối khách hàng và lái xe thông qua phần mềm kết nối bằng Internet không sở hữu xe ô tô, không có lái xe được hưởng phí kết nối từ việc hỗ trợ các đơn vị kinh doanh vận tải nên việc coi các tổ chức, cá nhân này là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô sẽ không thật sự hợp lý” – đại biểu nêu ý kiến.
Vì vậy, đại biểu đề nghị quy định cấp dịch vụ sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ kết nối cho xe ô tô là việc ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải thuộc nhóm dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ quy định tại Điều 84 của dự thảo luật sẽ phù hợp hơn với tình hình thực tiễn.
Đại biểu Bùi Thị Thuỷ |
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cũng nêu vấn đề về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, quy định tại khoản 4 Điều 60 của dự thảo Luật, đề nghị cần phân biệt rõ kinh doanh vận tải và dịch vụ hỗ trợ kết nối phục vụ kinh doanh vận tải, theo đó các dịch vụ sử dụng công nghệ thông tin chỉ hỗ trợ kết nối việc thực hiện dịch vụ kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Nữ đại biểu cho rằng, xét về bản chất 2 mô hình này hoàn toàn khác nhau. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối vận tải chỉ vận hành phần mềm ứng dụng, không tham gia vào mọi công đoạn trong quá trình vận tải. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phần mềm ứng dụng chỉ giúp kết nối khách hàng và lái xe thông qua phần mềm kết nối trên không gian mạng, không sở hữu xe và lái xe và chỉ được hưởng phí kết nối từ việc hỗ trợ các lái xe.
“Họ chỉ thỏa thuận với lái xe là các cá nhân thật sự kinh doanh vận tải chứ không trực tiếp giao dịch với người thuê dịch vụ vận tải hành khách, cho nên chỉ coi như dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Việc quy định như vậy là không phù hợp với thực tiễn và sẽ khiến doanh nghiệp cung cấp phần mềm hoạt động thiếu hiệu quả vì phải thực hiện những yêu cầu không cần thiết khác” - đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cho biết đồng thời đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại khái niệm này cho chính xác, tránh nhầm lẫn đối tượng, sẽ dẫn đến biện pháp quản lý không phù hợp, làm gia tăng gánh nặng với doanh nghiệp và kìm hãm sự phát triển của xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng dịch vụ.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) tán thành với ý kiến dẫn báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng với khái niệm mới nêu trên thì các dịch vụ sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ kết nối cho xe ô tô như Grab, Bee… sẽ bị coi là hoạt động kinh doanh vận tải và quy định này không phù hợp với thực tiễn và đề nghị chỉ nên coi các dịch vụ sử dụng công nghệ nêu trên là các dịch vụ hỗ trợ giao thông đường bộ.
Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, trong thời gian qua, đã xuất hiện các hình thức kinh doanh mới thực hiện dịch vụ hỗ trợ kết nối cho xe ô tô. Đây là những doanh nghiệp không sở hữu xe ô tô, không giao kết hợp đồng lao động với lái xe mà chỉ cung cấp dịch vụ hỗ trợ kết nối giữa xe ô tô với khách hàng.
Nếu coi các doanh nghiệp này là các đơn vị kinh doanh vận tải giống như các đơn vị kinh doanh vận tải truyền thống, tức là các doanh nghiệp có sở hữu xe ô tô, các doanh nghiệp có giao kết hợp đồng với lái xe để quy định các nghĩa vụ, các điều kiện hoạt động chung giống nhau, như: Phải thực hiện đầy đủ các cam kết về chất lượng vận tải hợp đồng, phải mua bảo hiểm cho hành khách, phải bồi thường thiệt hại… là không hợp lí.
Đại biểu cho rằng quy định nói trên chưa rõ ràng, có thể dẫn đến cách hiểu và thực thi pháp luật khác nhau. Điều đáng lo ngại là quy định này sẽ dẫn đến trường hợp doanh nghiệp nào cung cấp dịch vụ hỗ trợ kết nối càng thông minh, tiện lợi cho các bên sử dụng thì dễ bị gán mác là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, còn doanh nghiệp nào cung cấp dịch vụ kết nối khiêm tốn hơn thì coi là doanh nghiệp công nghệ cung cấp dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải.
Trước những ý kiến tranh luận nói trên, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình trước Quốc hội hiện những đơn vị cung cấp phần mềm như GoViet, Grab có gần là 40 - 50 phần mềm, Bộ GTVT ủng hộ rất cao và không nêu những đơn vị này là tham gia vận tải. “Vừa qua, Uber có liên quan đến việc cung cấp phần mềm và định giá vận tải, họ ở nước ngoài họ định giá chuyến xe đi từ A đến B là bao nhiêu tiền và họ trích lại phần họ bao nhiêu, họ chi lại cho lái xe bao nhiêu, họ quyết định toàn bộ vấn đề như thế. Những đơn vị như thế này chúng tôi cho là tham gia kinh doanh vận tải, kiếm lợi nhuận ở Việt Nam, do đó phải là ứng xử như là doanh nghiệp vận tải” - Bộ trưởng Giao thông vận tải nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể tiếp thu ý kiến. |
Xem thêm: /410026-ehgn-gnoc-gnud-gnu-iat-nav-ex-yl-nauq-naul-hnarT/us-ioht-naul-hniB-neik-uS/nv.moc.dnac