Những "ông trùm" của các đường dây này đều là người nước ngoài và hầu như chỉ đứng đằng sau, từ xa điều hành hoạt động tội phạm. Đây chính là thách thức đối với lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy hiện nay.
Những kẻ giấu mặt
Giai đoạn từ năm 2010 trở về trước, hầu hết lượng ma túy trên thị trường Việt Nam đều được mua bán, vận chuyển từ nước ngoài. Trong đó, heroin từ trung tâm sản xuất ma túy thế giới là Tam giác Vàng qua các tuyến biên giới đường bộ phía Bắc và miền Trung, vào các tỉnh phía Nam rồi đưa đi nước thứ 3 hoặc từ các tỉnh Tây Bắc sang Trung Quốc, còn ma túy tổng hợp từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Hiện nay, ma túy tổng hợp dạng đá và dạng viên lại được vận chuyển từ Tam giác Vàng theo các tuyến biên giới Bắc, Trung, Nam vào Việt Nam rồi ngược ra Bắc, sang Trung Quốc tiêu thụ. Nguyên nhân là do bị lực lượng chức năng Trung Quốc tập trung truy quét các công xưởng sản xuất ma túy trong nước, các "ông trùm" ma túy nước này đã đưa toàn bộ dây chuyền, công nghệ sản xuất ma túy tổng hợp sang khu vực Tam giác Vàng để tiếp tục hoạt động. Trong mỗi giai đoạn, những kẻ cầm đầu các đường dây ma túy quốc tế lại có phương thức, thủ đoạn khác nhau. Do đặc thù địa bàn, hầu hết các ông trùm của các đường dây ma túy xuyên quốc gia này đều chọn TPHCM làm nơi hoạt động.
Cách đây khoảng 10 năm, các "trùm" buôn ma túy vào Việt Nam hầu hết là người châu Phi. Trước khi thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng lên kế hoạch khá công phu là sang Việt Nam cưới vợ. Sau một thời gian mặn nồng tình nghĩa vợ chồng, chúng bắt đầu sử dụng chính người vợ của mình để vận chuyển ma túy. Nhắm vào số phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt như lỡ dở tình duyên, khó khăn về kinh tế..., những gã đàn ông ngoại quốc tìm cách làm quen, vờ yêu đương.
Ngoài ra, trong vai những doanh nhân thành đạt, chúng có thể tuyển dụng các đối tượng (hầu hết là nữ giới) người Việt Nam để làm việc cho công ty của mình. Sau đó, với rất nhiều thủ đoạn tinh vi, chúng cử những nhân viên này sang Ấn Độ, Pakistan để nhận hàng mẫu (của đối tác đặt hàng cho công ty sản xuất) mang về Việt Nam cho "ông chủ” xem, còn những cô "người yêu" của đám trai ngoại quốc thì được cho đi du lịch miễn phí. Nhưng thực chất, bên trong những chiếc hộp đựng hàng mẫu là ma túy, thường được cất giấu hết sức tinh vi như giấu trong valy 2 đáy, đế đèn ngủ, giày dép, thậm chí trong hàng cúc áo váy, tẩm vào sợi thảm... Chỉ đến khi bị cơ quan chức năng nước ngoài phát hiện, bắt giữ, họ mới hay mình đã sập bẫy, vô tình trở thành "kẻ chết thuê”, còn kẻ chủ mưu thật sự thì đã "cao chạy xa bay". Đến khi thủ đoạn này bị lộ tẩy, số đối tượng gốc Phi cầm đầu các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy giảm hẳn.
Tuy nhiên không lâu sau đó, giai đoạn từ năm 2012 - 2016, các đường dây, tổ chức vận chuyển trái phép ma túy với số lượng lớn xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài qua cửa khẩu hàng không Tân Sơn Nhất sang Trung Quốc, Úc bắt đầu hoạt động trở lại và kẻ cầm đầu vẫn là các đối tượng người Nigeria nhưng có khác là chúng điều hành từ bên ngoài Việt Nam. Và những người bị dụ dỗ, lôi kéo vào đường dây này cũng khác hơn so với trước là chúng thuê phụ nữ ở các nước lân cận Việt Nam để vận chuyển ma túy vào Việt Nam, sau đó thuê người Việt Nam vận chuyển sang nước thứ 3.
Các đối tượng này thông qua điện thoại, mạng xã hội để điều hành toàn bộ đường dây tội phạm. Người vận chuyển hoàn toàn không rõ ai thuê mình, cũng không rõ lộ trình vận chuyển mà thụ động theo sự sắp đặt của kẻ cầm đầu. Vì vậy, các đường dây ma túy bị triệt phá chỉ bắt được người làm thuê còn kẻ chủ mưu vẫn là ẩn số.
Vỏ quýt dày có móng tay nhọn
Trong năm 2019, Công an TPHCM phối hợp với các Cục nghiệp vụ Bộ Công an và các lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện nhiều đường dây ma túy quốc tế có quy mô lớn tại TPHCM. Với lượng "hàng" trong mỗi chuyến lên tới vài trăm ký, có khi nửa tấn ma túy, những "ông trùm" ngoại quốc của các đường dây này có thủ đoạn hoạt động cực kỳ tinh vi và liên tục tìm cách thay đổi địa bàn hoạt động, vươn vòi bạch tuộc ra nhiều địa bàn trong cả nước.
Trong số này, phải kể đến Huang Zai Wen (tức Hoàng Tải Văn, SN 1967, quốc tịch Trung Quốc), kẻ bị bắt quả tang cùng gần 300kg ma túy dạng đá tại khu vực phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TPHCM) ngày 20-3-2019. Huang Zai Wen điều hành đường dây ma túy quốc tế quy mô lớn có sự tham gia của các đối tượng người Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Ma túy được các đối tượng đưa từ Tam giác Vàng (Myanmar) sang Lào qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum) rồi về TPHCM để đi các nước tiêu thụ.
Để chuẩn bị cho các phi vụ làm ăn, Huang Zai Wen thuê kho hàng của Wu He Shan (tức Ngô Hà Sơn, SN 1963, quốc tịch Trung Quốc, ngụ khu phố 3, khu dân cư Vĩnh Lộc, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TPHCM) làm nơi tập kết ma túy. Sau đó, Huang Zai Wen thuê Wu He Shan mua thêm hàng tấn hàng hóa các loại, mục đích để cất giấu ma túy lẫn trong đó rồi đóng container, thuê các công ty có chức năng xuất nhập khẩu làm thủ tục xuất đi Philippines. Tuy nhiên, với những công việc trực tiếp liên quan đến ma túy như giao nhận hàng, đóng hàng thì chính tay Huang Zai Wen sẽ làm một cách bí mật.
Do từng làm nhiều công việc khác nhau ở các khu chợ biên giới nên ngay khi vừa bị bắt, Huang Zai Wen tỏ ra là một kẻ cực kỳ mưu mô, xảo quyệt, khai báo gian dối, gây rất nhiều khó khăn cho CQĐT trong việc xác định đối tượng chủ mưu, cầm đầu, cũng như vai trò của từng đối tượng trong vụ án. Còn Wu He Shan lại khá nổi tiếng trong giới doanh nhân Hoa kiều tại TPHCM, từng làm ăn, sinh sống tại Việt Nam từ hơn 20 năm trước. Theo tài liệu trinh sát, Wu He Shan cùng số đối tượng người Trung Quốc đóng 5 chuyến hàng xuất khẩu sang Philippines, trong đó có 4 chuyến có dấu hiệu chứa số ma túy trị giá vài triệu USD mỗi lần.
Ngày 14-3-2019, Wu He Shan cũng thông qua một công ty xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam làm thủ tục xuất 1 lô hàng hạt nhựa từ cảng Cái Lái (TPHCM) sang cảng Manila của Philippines. Từ thông tin Cảnh sát Việt Nam cung cấp, ngày 22-3-2019, Cảnh sát Philippines đã thu giữ 276kg ma túy tổng hợp giấu trong 1 container trên tàu Callao Bridge từ TPHCM cập cảng Manila.
Còn "trùm" ma túy người Hàn Quốc Kim Soo Sik (SN 1960) lại có sự tinh vi của một cựu cảnh sát có thâm niên 20 năm trong ngành. Đối tượng này dùng chiêu "cặp bồ" để mở rộng đường dây. Theo tài liệu trinh sát, y chỉ đạo cô bồ tại TPHCM là Huỳnh Thị Hoa Trâm (SN 1980) đứng ra thành lập một công ty có chức năng xuất nhập khẩu, đăng ký địa chỉ tại đường Kha Vạng Cân (Q.Thủ Đức, TPHCM), nhưng qua xác minh, đó chỉ là "địa chỉ ma". Các đối tượng trong đường dây cũng được phân công nhiệm vụ rõ ràng, những hoạt động liên quan đến ma túy đều do các đối tượng chủ chốt thực hiện một cách bí mật.
Quá trình hoạt động, chúng không gặp mặt nhau, mỗi người phụ trách một khâu, trao đổi qua Zalo, Facebook, Viber... Lúc 23 giờ 30 ngày 18-7-2019, Công an TPHCM phối hợp với các lực lượng chức năng của Bộ Công an, Bộ Tư lệnh BĐBP, Tổng cục Hải quan đồng loạt bắt giữ các đối tượng trong chuyên án, khám xét nơi ở tại 6 điểm trên địa bàn TPHCM. Tại cảng Cát Lái (Q2), lực lượng chức năng đã dùng xe nâng tách những khối đá granite nặng 28 tấn, phát hiện trong 4 kiện (mỗi kiện 1m3) hàng chục gói ma túy được đóng gói như những gói trà giấu trong khoang rỗng của khối đá, tổng trọng lượng 40kg ma túy tổng hợp dạng đá khi lô hàng đã thực hiện mở tờ khai hải quan, chuẩn bị khử trùng để đưa xuống tàu xuất sang Incheon (Hàn Quốc).
Được biết, đường dây tội phạm quốc tế này đang có dấu hiệu mở rộng hướng vận chuyển ra các cảng biển phía Bắc để liên tục thay đổi địa bàn trung chuyển ma túy đi nước thứ 3, hòng qua mặt các cơ quan chức năng. Nhưng dù tinh vi, xảo quyệt đến đâu thì "vỏ quýt dày có móng tay nhọn", chúng đã phải thúc thủ trước nghiệp vụ tinh thông và sự phối hợp nhịp nhàng của các lực lượng chức năng Việt Nam.
(Còn tiếp...)
Xem thêm: lmth.946301_et-couq-yut-am-murt-gno-cac-yat-tal-3-iab/na-uv/nv.moc.nagnoc