Cựu Chủ tịch Hà Nội "không phục" Viện Kiểm sát
Phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng 2 đồng phạm Nguyễn Trường Giang (cựu Giám đốc Công ty Arktic) và Võ Tiến Hùng (cựu Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội) diễn ra liên tục trong 2 ngày 10-11/12. Cả 2 ngày, phiên xử đều kéo dài quá giờ hành chính, thậm chí đến gần 20h30.
Trong suốt 2 ngày diễn ra phiên xử, bị cáo Nguyễn Đức Chung được Hội đồng xét xử (HĐXX) dành khá nhiều thời gian để trình bày. Ông Chung nói đi nói lại hơn chục vấn đề mà bị cáo này cho là không đúng và cho rằng mình bị kết tội oan.
Cụ thể, ông Chung không thừa nhận đã chỉ đạo bị cáo Võ Tiến Hùng làm trái quy định để Công ty Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy-3C của Công ty Watch Water (Đức) qua Công ty Arktic.
Bị cáo cũng phủ nhận cáo buộc Arktic là "công ty gia đình" của ông với lý do ông không tham gia góp vốn, không có quan hệ làm ăn kinh tế với bị cáo Nguyễn Trường Giang, không chỉ đạo bị cáo Giang về các hoạt động kinh doanh; không biết vợ, con của ông góp vốn cổ phần tại Công ty Arktic, không hưởng lợi ích gì từ công ty này…
Đến khi nói lời sau cùng, cựu Chủ tịch Hà Nội vẫn khẳng định, những nhận định của Viện Kiểm sát (VKS) trong cáo trạng cũng như bản luận tội vẫn chưa thuyết phục được cá nhân ông.
Trái ngược với ông Chung, hai bị cáo Nguyễn Trường Giang và Võ Tiến Hùng đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình như cáo trạng truy tố.
Bị cáo Nguyễn Trường Giang khẳng định, bản thân không tham gia góp vốn và chia lợi nhuận từ hoạt động của Công ty Arktic. Việc đứng lên làm giám đốc do vợ bị cáo Nguyễn Đức Chung nhờ. Mọi hoạt động kinh doanh của công ty, trong đó có việc mua chế phẩm Redoxy-3C về bán cho Hà Nội, đều do bị cáo Chung chỉ đạo và kết nối.
Bị cáo Võ Tiến Hùng khai nhận, việc Công ty Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy-3C của Công ty Watch Water (Đức) qua trung gian là Công ty Arktic là thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Đức Chung. Ông Hùng khẳng định, bản thân không được hưởng lợi gì từ việc mua bán này và cơ quan tố tụng cũng xác định, bị cáo Hùng không được hưởng lợi.
Đối đáp lại quan điểm của bị cáo Chung cũng như các luật sư, đại diện VKS đánh giá, đây là vụ án đồng phạm và khẳng định, các bị cáo ở các vị trí chức vụ khác nhau nhưng thực hiện một chuỗi sai phạm. Bị cáo này sai, bị cáo khác tiếp nhận cái sai đó để tiếp tục sai.
Trong vụ án này, VKS cho rằng, ông Nguyễn Đức Chung có vai trò chủ mưu, cầm đầu. Cụ thể, ông Chung lợi dụng chức trách Chủ tịch UBND TP Hà Nội tạo điều kiện để Công ty Thoát nước Hà Nội tiếp cận việc kinh doanh những sản phẩm liên quan đến môi trường.
Tiếp đó, cựu Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo để bị cáo Nguyễn Trường Giang đi theo các đoàn công tác của thành phố dù Giang không có tên trong danh sách do Sở Ngoại vụ đề xuất; từ đó, tạo thuận lợi cho việc kinh doanh của "công ty gia đình", để công ty này hưởng lợi không chính đáng hơn 36 tỷ đồng.
Bản án nào cho cựu Chủ tịch Hà Nội?
Với hành vi trên của bị cáo Chung, khi luận tội, đại diện VKS đã đề nghị tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo này từ 10-12 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Tuy nhiên, quá trình tranh tụng, luật sư bào chữa cho ông Chung đã bổ sung thêm tài liệu mới tại phiên tòa là phiếu nộp tiền của gia đình bị cáo này nộp số tiền 10 tỷ đồng cho Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội. Đây là khoản tiền của gia đình bị cáo Chung nộp nhằm bảo lãnh cho trường hợp ông Chung bị tuyên phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án thì sẽ khấu trừ vào số tiền bảo lãnh này.
Ghi nhận tình tiết mới này, đại diện VKS đã quyết định thay đổi mức án đề nghị đối với bị cáo Nguyễn Đức Chung từ 10-12 năm tù xuống còn từ 8-10 năm tù.
Trong những phiên tòa gần đây liên quan đến tội danh tham ô, tham nhũng, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước, việc các bị cáo tác động gia đình khắc phục hậu quả vụ án đều được HĐXX ghi nhận.
Cuối tháng 12/2019, tại phiên sơ thẩm, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son bị đại diện VKS đề nghị tuyên án tử hình về tội "Nhận hối lộ". Quá trình phiên tòa diễn ra, gia đình ông Son đã nộp tiền, khắc phục hoàn toàn số tiền 3 triệu USD mà bị cáo Son nhận hối lộ.
Xét tình tiết giảm nhẹ này, HĐXX cho rằng không cần thiết phải áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình đối với bị cáo Nguyễn Bắc Son. Ông Son sau đó bị tuyên án chung thân ở cả 2 cấp xử sơ thẩm và phúc thẩm.
Gần đây nhất, đầu tháng 11/2021, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (Bộ Công an) Nguyễn Duy Linh bị đưa ra xét xử về tội "Nhận hối lộ" theo khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự, có mức hình phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Sau khoảng thời gian đầu chối tội, ông Linh bất ngờ "quay xe", thừa nhận hành vi phạm tội; đồng thời tác động gia đình nộp đủ số tiền 5 tỷ đồng nhận hối lộ. Ghi nhận tình tiết này, HĐXX sau đó đã tuyên phạt cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo 14 năm tù, dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.
Hồi tháng 12/2020, ông Nguyễn Đức Chung bị đưa ra xét xử với cáo buộc chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước theo khoản 3, Điều 337 Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt từ 10-15 năm tù. Ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ của ông Chung, HĐXX đã đưa khung hình phạt xuống khoản 2, tuyên ở mức thấp nhất của khung hình phạt này là 5 năm tù.
Ở phiên tòa đang diễn ra, trong lời nói sau cùng, ông Chung cho rằng, khi xảy ra vụ án này, thiệt hại đầu tiên là cá nhân ông cùng với gia đình. Ông có bố mẹ già đã trên 80 tuổi, bản thân ông mắc bệnh ung thư, "không biết có về được đến nhà để đưa bố mẹ đi ma hay không!".
Gia đình ông đã nộp 10 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Chiều nay, 13/12, cựu Chủ tịch Hà Nội sẽ phải nhận bản án thứ 2. Bản án nào đang chờ đợi ông Chung khi mà "bản án" dành cho gia đình ông đã được "tuyên" từ lâu?
Phúc Lâm