Vừa qua, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín đã có Nghị quyết của HĐQT về việc thông quá phương án phát hành, sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán trái phiếu Vietbank năm 2022 (lần 1).
Theo đó, 1.200 tỷ đồng sẽ được phát hành theo 3 đợt, mỗi đợt trị giá 400 tỷ đồng. Cách thức là phát hành trái triếu riêng lẻ. Thời gian dự kiến trong quý I/2022.
Nhu cầu phát hành trái phiếu được tính và nợ thứ cấp của Vietbank. Cụ thể, hiện tỉ lệ an toàn vốn (CAR) theo thông tư 41 của Vietbank vẫn ở mức tuân theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Hệ số CAR cuối tháng 11/2021 đang là 9,7%, chênh lệch ít so với mức để được NHNN xem xét cấp thêm room tín dụng. Việc tỉ lệ này vẫn đang ở mức thấp gây nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, tăng trưởng của Vietbank.
Để có thêm nhiều dư địa tăng trưởng và phát triển trong năm 2022, cũng như tuân thủ các quy định về QLRR, giới hạn đảm bảo an toàn tài chính, việc phát hành trái phiếu là cần thiết cho giai đoạn này.
Bên cạnh đó, số trái phiếu nói trên với kỳ hạn 7 năm trở lên và mức lãi suất hợp lý sẽ giúp tăng vốn huy động của Vietbank, cải thiện các chỉ số an toàn của ngân hàng này.
Trước đó, theo Quyết định của HĐQT về việc phát hành GTCG năm 2021 và bổ sung giai đoạn 2021-2022, tính tới 10/12/2021 Vietbank đã phát hành thành công 3.950 tỷ đồng GTCG, trên tổng số 7.000 tỷ được phê duyệt.
Về kết quả kinh doanh, lãi trước thuế lũy kế 9 tháng đầu năm của Vietbank đạt 395 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, nếu so với kế hoạch kinh doanh "tối thiểu" mà Ngân hàng đề ra tại kỳ đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2021 thì VietBank đã hoàn thành kế hoạch 390 tỷ đồng lãi trước thuế của năm 2021.
Tuy nhiên, nếu so với mục tiêu lợi nhuận ở mức 1.100 tỷ đồng lãi trước thuế cho năm 2021 thì Vietbank chỉ mới thực hiện được 36% sau 9 tháng.
Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm, nợ xấu của Vietbank đã tăng 58,5% lên 1.244 tỷ đồng. Phần lớn nợ xấu Vietbank xuất hiện trong quý III/2021 do ảnh hưởng của COVID-19 thời kỳ cao điểm.
Theo báo cáo tài chính quý III/2021 mới công bố, số dư nợ xấu của Vietbank tính đến 30/9/2021 là 1.244 tỷ đồng, tăng 58,5% so với đầu năm.
Trong khi đó, dư nợ cho vay của Vietbank chỉ tăng 4,8% lên 46.957 tỷ đồng. Do vậy, tỉ lệ nợ xấu đã tăng đáng kể từ mức 1,75% tại thời điểm đầu năm lên 2,65% cuối quý III.
Tính riêng trong quý III/2021, nợ xấu đã tăng thêm gần 360 tỷ đồng, chủ yếu tại nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nhóm 4 (nợ nghi ngờ).