Các đại lý trốn thuế công khai
Tổng cục Thuế vừa có văn bản gửi cục thuế các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường quản lý đối với doanh nghiệp, đại lý kinh doanh ô tô, xe máy. Theo Tổng cục Thuế, đơn vị này đã ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý hóa đơn nhằm tránh tình trạng bán xe "hai giá” nhưng cho đến nay tình trạng này vẫn phổ biến. Thực tế suốt một thời gian dài, các đại lý vẫn dùng chiêu trò này để trốn thuế, đặc biệt với các HEAD Honda và các đại lý xe máy đang ăn khách, các đại lý xe hơi các nhãn hiệu.
Với các HEAD Honda, từ lâu nhiều mẫu xe máy hút khách đã bị các đại lý tăng giá bán so với giá đề xuất của nhà sản xuất, trong đó xe máy Honda bị kê giá nhiều nhất, chênh từ 5-7 triệu, thậm chí lên hơn 10 triệu đồng/chiếc nhưng phần chênh lệch không được ghi trong hóa đơn. Tình trạng này được khách hàng phản ánh từ lâu nhưng vẫn không có biến chuyển, dẫn đến khách hàng bị thiệt thòi, các đại lý thì trốn thuế một cách công khai.
Đơn cử như những tháng đầu năm 2022, mẫu xe tay ga Vision bán rất chạy, luôn trong tình trạng khan hàng và các đại lý Honda đẩy giá bán cao hơn giá niêm yết khiến nhiều người dùng chịu thiệt. Mẫu xe Vision có nhiều phiên bản, như mẫu đặc biệt, cao cấp khi đó niêm yết lần lượt là 30,23 triệu đồng, 33,27 triệu đồng, 31,89 triệu đồng và phiên bản cá tính có giá cao nhất là 34,94 triệu đồng. Tuy nhiên, giá bán thực tế của các mẫu xe này luôn luôn cao hơn giá mà hãng xe niêm yết, có mẫu chênh lệch đến 10 triệu đồng, còn lại các mẫu khác đều chênh lệch 5-7 triệu đồng, tùy đại lý. Thực tế, hầu hết các mẫu xe tay ga của Honda đều có giá chênh lệch giữa giá niêm yết và giá bán tại đại lý.
Nhiều khách hàng cho rằng mình bị "móc túi" công khai, khi giá bán thực tế rất cao so với giá "đề nghị” của hãng Honda. Không biết tới bao giờ khách hàng sẽ mua được một chiếc xe với giá trị thực của sản phẩm và người dân không bị móc hầu bao như trước.
"Móc túi" khách hàng"
Các chuyên gia cho biết, ở một số nước trên thế giới cũng có tình trạng bán giá chênh lệch như vậy và tùy theo hợp đồng giữa nhà sản xuất và đại lý uỷ quyền. Trong hợp đồng sẽ quy định rõ quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên, vì thế khó mà chế tài được đại lý bán giá chênh lệch nếu hợp đồng không có quy định ràng buộc. Các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể kiểm tra hợp đồng giữa Honda Việt Nam và các đại lý để biết thủ đoạn "móc túi" khách hàng.
Trong khi đó, đại diện Honda Việt Nam từng giải thích một cách thiếu trách nhiệm rằng hãng và đại lý là 2 pháp nhân độc lập nên không thể can thiệp về giá bán. Honda Việt Nam chỉ công bố giá đề xuất, còn giá bán thực tế bao nhiêu là do đại lý quyết định. Trước đó, vào tháng 5-2018, khi ra mắt xe số Future, CEO Honda Việt Nam lúc đó - ông Toshio Kuwahara phát biểu: Giá bán xe Honda trên thị trường hiện cao hơn giá đề xuất khi chúng tôi đi khảo sát. Đây cũng là điều mà Honda cảm thấy rất có lỗi với khách hàng".
Tuy nhiên, vị CEO này cũng khẳng định, Honda Việt Nam không có quyền đưa ra chỉ thị với đại lý phải bán giá như thế nào mà chỉ có thể đưa ra giá đề xuất bởi theo luật cạnh tranh giữa Honda và HEAD là 2 pháp nhân độc lập. Về mối quan hệ giữa HEAD và nhà sản xuất, theo đại diện các HEAD, treo biển là cửa hàng bán xe và dịch vụ do Honda uỷ nhiệm, nhưng quan hệ giữa cửa hàng và Honda Việt Nam là quan hệ khách hàng "mua đứt bán đoạn", nên giá bán do HEAD quyết định.
Vấn đề bán "hai giá” của các đại lý xe máy được khách hàng phản ánh từ nhiều năm qua, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước gần như bất lực, để mặc sức các đại lý tung hoành. Có điều rất đáng trách với các hãng, đặc biệt với Honda là họ đã bỏ mặc khách hàng của mình, dù biết khách hàng Việt rất ưa chuộng thương hiệu này nhưng hãng xe không biết chăm sóc tốt khách hàng mà cứ để cho các đại lý ủy quyền "móc túi" của khách. Có phải Honda tự tin rằng hàng của mình không đủ bán, không cần chăm sóc khách hàng?
Đã có những ý kiến của khách hàng trên các diễn đàn lên tiếng đòi "tẩy chay" các hãng bán xe với giá quá cao so với giá đề nghị từ chính hãng, đặc biệt với Honda và khuyên người dân phải biết làm "người tiêu dùng thông minh", đồng thời đòi tẩy chay Honda. Có thể đây là "vũ khí cuối cùng" của người tiêu dùng, bởi thực tế Honda và một số hãng xe lớn khác, cho đến nay cũng đã kém sáng tạo, khi ngày càng ít tung ra những mẫu mã mới hấp dẫn người tiêu dùng. Trong khi vẫn còn nhiễu hãng khác với các sản phẩm chất lượng, giá cả lại hợp lý hơn nhiều.
Người tiêu dùng hoàn toàn có thể quay lưng, tẩy chay loại xe bán giá chênh lệch cao thay vì chạy theo thị hiếu. Đó cũng là cách gây áp lực để đưa giá xe về giá trị thực của nó.
"Hai giá” là trốn thuế
Tình trạng các đại lý bán xe "hai giá” tồn tại rất lâu với xe máy và nhiều nhãn hàng xe hơi đắt tiền, có những mẫu xe chênh lệch cả trăm triệu (với xe hơi), cả chục triệu đồng với xe máy, nhưng khi xuất hóa đơn lại ghi giá khác, gần với giá đề xuất của hãng. Theo Tổng cục Thuế, đây là có dấu hiệu trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách rất lớn.
Chính vì vậy, trong công văn mới nhất về vấn đề này, Tổng cục Thuế đề nghị Cục thuế các tỉnh, thành rà soát, kiểm tra hóa đơn các đại lý, cơ sở kinh doanh xe bán "hai giá”. Đồng thời, thực hiện đánh giá phân loại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có hoạt động đại lý, kinh doanh ôtô, xe máy có dấu hiệu rủi ro khi không xuất hóa đơn, ghi giá hóa đơn thấp hơn giá thực tế giao dịch để xem xét bổ sung vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế đột xuất.
Theo Tổng cục Thuế, sắp tới đây cơ quan thuế sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để quản lý; định kỳ rà soát hệ thống quản lý hóa đơn điện tử, thu thập thông tin và đánh giá dữ liệu đối với các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn. Từ đó thực hiện các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế theo quy định và phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý giá để xử lý các hành vi vi phạm. Trường hợp phát hiện hành vi trốn thuế có dấu hiệu tội phạm, các Cục thuế sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an đề nghị điều tra, khởi tố theo quy định.
Tình trạng này diễn ra rất lâu, ít nhất tồn tại trong hơn 20 năm qua, nay Tổng cục Thuế mới vào cuộc, kể cũng rất lạ. Nhưng muộn còn hơn không. Hoàn toàn có thể truy thu và cũng dễ dàng phát hiện để truy thu thuế và phải có biện pháp yêu cầu các đại lý xe bán hàng phải xuất hóa đơn theo đúng giao dịch thực tế.
Để bảo vệ người tiêu dùng, Luật bảo vệ người tiêu dùng cũng phải sửa đổi để có cơ sở để kiểm soát, xử lý với hành vi bán "hai giá”, vì hiện nay luật này vẫn chưa có điều khoản này. Tổng cục Thuế cũng cần phải làm việc với các hãng sản xuất xe máy, xe hơi để tìm biện pháp hạn chế tình trạng bán "hai giá” của các đại lý. Nếu các hãng sản xuất xe máy không bảo vệ khách hàng, chăm sóc khách hàng của mình thì trước sau gì người tiêu dùng cũng tẩy chay, quay lưng với nhà sản xuất.
Xem thêm: lmth.036141_yl-ux-mahc-oas-euht-nort-aig-iah-ex-nab-yl-iad-cac/et-hnik-hnin-na/nv.moc.nagnoc