Giáng sinh là dịp để nhiều người tặng quà cho nhau, bày tỏ tình cảm và những lời nhắn gửi tới nhau sau một năm đã qua. Khi nhu cầu tặng quà tăng cao, các dịch vụ cung cấp gói quà mở ra ngày càng nhiều.
Chị Hạnh - chủ cửa hàng quà tặng, gói quà ở quận Ba Đình (Hà Nội) - cho biết chị mở công ty cung cấp dịch vụ quà tặng đã hơn 20 năm. Thông thường vào những ngày lễ như Giáng sinh, Trung thu hay ngày 20/11, chị làm việc 15 tiếng đến 17 tiếng đồng hồ mỗi ngày mà vẫn chưa hết việc.
Lợi nhuận cao
Với mỗi hộp quà được bọc cẩn thận bởi hộp giấy carton, giấy gói quà, thắt nơ thủ công, giá gói dao động từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng tùy độ to, nhỏ của gói quà.
Ngoài ra, người mua có nhu cầu đựng hộp quà trong túi nylon cao cấp sẽ phải trả thêm 20.000 đồng/túi. Như vậy, tổng chi phí cho một lần gói quà sẽ khoảng 70.000 đồng tới 120.000 đồng, tùy thuộc vào kích thước quà tặng, hộp, lượng giấy, loại giấy, yêu cầu của khách.
Người bán mất khoảng 15 phút để hoàn thành mỗi gói quà. Nếu làm việc liên tục 10 tiếng mỗi ngày, bao gồm thời gian nghỉ ngơi, người cung cấp dịch vụ gói quà có thể hoàn thành được khoảng 30 đến 35 gói quà.
Cửa hàng chị Hạnh có 3 nhân viên. Như vậy, công suất tối đa của cửa hàng có thể hoàn thành khoảng 100 gói quà trong vòng một ngày, nhận về mức doanh thu khoảng 7 đến 10 triệu đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, mức giá này tương đối cao, phần lợi nhuận được tính chủ yếu là công của người gói. Trên các sàn thương mại điện tử của Trung Quốc, giá bán giấy gói quà từ loại bình dân đến cao cấp dao động từ 1.000 đồng tới 15.000 đồng/tờ. Với mỗi tờ giấy, người bán có thể sử dụng gói được từ 2 đến 3 hộp quà.
Về nơ, giá bán theo cuộn khoảng vài chục nghìn đến hơn 100.000 đồng với cuộn 45m. Về hộp carton đựng quà, giá bán số lượng lớn dao động từ 1.000 đồng đến 2.000 đồng/hộp. Như vậy, tổng chi phí giá vốn cho một gói quà khoảng 10.000 đồng đến 20.000 đồng, bằng 1/5 so với doanh thu.
Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ gói quà cho khách hàng lẻ, chị Hạnh cho hay thu nhập chính của chị đến từ việc cung cấp dịch vụ cho các công ty lớn. Vào những ngày đặc biệt, các công ty thường đặt gói vài trăm túi quà để tặng nhân viên.
Ngoài ra, chị Hạnh mở thêm dịch vụ in ấn, sản xuất hộp quà thiết kế riêng cho những món đồ có hình dáng khó đóng gói như ấm chén, bát đĩa, bình hoa và các đồ dễ vỡ khác.
Cùng với đó, tại những cửa hàng như của chị Hạnh, lợi nhuận còn đến từ việc bán các mặt hàng quà tặng, đồ lưu niệm có sẵn. Vào dịp lễ Giáng sinh, chị Hạnh bán nhiều đồ trang trí như cây thông giả, cành thông thật, ông già Noel, dây ruy băng, kim tuyến, đèn nhấp nháy.
Hầu hết, giá bán đồ trang trí tại cửa hàng đều cao hơn khoảng 1,5 đến 2 lần so với trên sàn thương mại điện tử. Ví dụ, với cây thông có chiều cao 1,2m, cửa hàng chị Hạnh bán với giá 800.000 đồng/cây đã bao gồm đồ trang trí. Trong khi đó, trên một vài sàn thương mại điện tử, cây thông này chỉ khoảng 550.000 đồng - 600.000 đồng.
Phần chênh lệch này được hiểu là giá trị của việc mua hàng có sẵn, được nhìn tận mắt, sờ tận tay và trải nghiệm thử. Ngoài ra, người bán cần nâng chi phí để chi trả cho phí mặt bằng, lương nhân viên.
Thử thách lớn
Dịch vụ gói hàng không mới. Nhiều hiệu sách, cửa hàng lưu niệm cũng có dịch vụ này, có nơi tính phí nhưng cũng có nơi miễn phí gói quà khi khách đã mua quà tặng. Do vậy, việc mở dịch vụ gói quà như chị Hạnh được coi là khá hên xui bởi phải cạnh tranh với nhiều nơi đang quảng cáo "gói quà miễn phí".
Chưa kể, việc làm dịch vụ gói quà đòi hỏi người thực hiện phải có mặt bằng kinh doanh, không thể làm online.
Phượng Nguyễn - chủ cửa hàng bán đồ lưu niệm, gói quà dịch vụ ở TP Bắc Ninh - cho biết chi phí vốn bỏ ra cho dịch vụ gói quà là không cao để nhập nguyên vật liệu là keo nến, giấy gói quà, hộp giấy, dây thắt nơ. Tuy nhiên, người làm dịch vụ này cần một khoản vốn vừa đủ để thuê và sửa sang mặt bằng, làm nơi đón khách.
Chị Phượng khẳng định đa phần những người làm gói quà đều bán kèm các mặt hàng lưu niệm có sẵn để "lấy cái nọ, bù cái kia".
Ngoài ra, dịch vụ gói quà mang tính thời vụ cao. Mỗi năm, dịch vụ chủ yếu cung cấp vào những dịp ngày lễ như ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, dịp Giáng sinh... Ngoài ra, những ngày thường, dịch vụ gói quà có lượng khách không đều, chủ yếu cung cấp cho khách hàng tặng quà nhau nhân dịp sinh nhật.
Với chị Phượng, lý do khiến chị có thể duy trì công việc gói quà trong nhiều năm qua là bởi chị có lượng khách quen là các công ty, trường học. Với mỗi dịp lễ, các tổ chức này thường đặt đơn hàng lên đến vài trăm, thậm chí vài nghìn gói quà. Doanh thu "khủng" từ những đơn hàng này sẽ bù vào những ngày "hẻo" khách trong năm.
"Nếu chỉ trông chờ vào các ngày lễ thì không đủ để bù cho rất nhiều ngày thường còn lại. Tôi phải liên kết với bộ phận hành chính, văn phòng của các công ty để nhận các đơn đặt hàng lớn, như vậy mới cân đo đong đếm được", chị Phượng kể.
Nếu ai đó có ý định mở cửa hàng cung cấp dịch vụ gói quà ở thời điểm này, chị Phượng khuyên mọi người nên cân nhắc, tính toán thật kỹ. Nếu có thể, hãy đan xen kinh doanh thêm một mặt hàng khác, song song với đó là dịch vụ gói quà để tối ưu chi phí mặt bằng, nhân viên.
Ngoài ra, công việc này đòi hỏi đam mê, cần sự tỉ mỉ, chính xác cao. Do vậy, bạn hãy xác định trước mọi mặt trước khi có quyết định thử sức ở lĩnh vực này.