Theo SSI Research, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa bơm khoảng 30.000 tỷ đồng ra thị trường thông qua mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại.
Phân hóa thanh khoản
Một trong những biểu hiện cho thấy thanh khoản ngân hàng đã bớt dư dả hơn đó là các phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ gần đây có tỷ lệ trúng thầu thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước, lãi suất cũng có xu hướng đảo chiều tăng nhẹ ở một số kỳ hạn. Ngoài ra, các nhà băng rút mạnh tiền gửi từ NHNN và các tổ chức tín dụng (TCTD) khác.
“Xét tổng thể, thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn đang khá dồi dào, song phân bổ không đều, có ngân hàng dư nhiều, có ngân hàng dư ít, thậm chí cũng có những ngân hàng thiếu hụt thanh khoản tạm thời, vẫn phải vay mượn trên thị trường liên ngân hàng”, một chuyên gia ngân hàng cho biết.
Nguyên nhân, theo vị chuyên gia này, là do hiện một số ngân hàng vẫn đang duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng khá cao, thậm chí còn cao hơn cả tốc độ huy động vốn. Chẳng hạn như LienVietPostBank, 9 tháng đầu năm dư nợ cho vay khách hàng tăng tới 15% trong khi tiền gửi chỉ tăng có 13,25%...
Hiện có không ít ngân hàng đã cạn room tín dụng và đang xin NHNN phân bổ thêm. Chẳng hạn như HDBank, tín dụng đến cuối tháng 10 tăng 20% và ngân hàng đang xin NHNN nâng hạn mức lên 27 - 28% cả năm nay…
Hỗ trợ giảm lãi suất
Nhiều tổ chức cũng dự báo thanh khoản ngân hàng có thể căng hơn trong những tháng cận Tết khi mà nhu cầu tiền mặt trong nền kinh tế tăng cao. “Lãi suất liên ngân hàng nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ trong các tháng cuối năm nay khi thanh khoản hệ thống ngân hàng bớt dồi dào”, Công ty chứng khoán KBSV nhận định.
Trong bối cảnh đó, động thái bơm thêm VND vào hệ thống của NHNN cũng rất cần thiết để tạo điều kiện cho các nhà băng bổ sung thêm thanh khoản, duy trì mặt bằng lãi suất thấp như hiện tại, thậm chí có thể giảm thêm lãi vay trong bối cảnh nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận lớn trong năm 2020.
Theo đó, dù kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ hồi phục trở lại phần nào trong những tháng cuối năm, song các chuyên gia của KBSV vẫn kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động trung và dài hạn vẫn sẽ có xu hướng giảm nhẹ ở mức từ 10 - 20 điểm %. Lãi suất huy động giảm sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm sâu thêm lãi suất cho vay.
Đó cũng là cảm nhận của các TCTD. Kết quả điều tra mới nhất của Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) cho biết, các TCTD kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động - cho vay giảm trong quý IV/2020 và cả năm 2020. Theo đó, bình quân kỳ vọng chung toàn hệ thống các TCTD: “Mặt bằng lãi suất thị trường được kỳ vọng giảm 0,1 điểm phần trăm trong quý IV/2020”.
Xem thêm: lmth.6015807476061-maig-aid-ud-meht-oc-yav-ohc-taus-ial/nv.semitaer