Ông Nguyễn Minh Long (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, COVID-19 là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, nên cần phải tuân thủ việc cách ly... nếu không sẽ bị xử lý.
Theo luật sư Long, COVID-19 là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao, thuộc nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007.
Đối với bệnh thuộc nhóm A thì một trong những điều khoản bắt buộc là tuân thủ việc cách ly; thực hiện các biện pháp phòng dịch cơ quan chức năng.
Luật sư Long cho hay, hành vi trốn tránh cách ly/ trốn khỏi nơi cách lý là hành vi đáng lên án, không những gây nguy cơ lây lan dịch bệnh; gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch của cơ quan chức năng mà xét về mặt pháp luật, hành vi này còn là hành vi phạm pháp luật.
Người trốn tránh cách ly/ bỏ trốn khỏi nơi cách ly có thể bị xử lý hành chính từ 5-10 triệu đồng theo điểm b khoản 2 điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Cụ thể: Điều 10. Vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.
2. Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A…..”
Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cách ly; cưỡng chế cách ly.
Đối với hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng: Theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP, sẽ tăng mạnh mức xử phạt đối với hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng khi có yêu cầu để phòng dịch từ ngày 15.11.2020.
Cụ thể, tại khoản điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, quy định phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Luật sư Long cho rằng, hiện tại các cơ quan chức năng chủ yếu dựa vào tuyên truyền để nâng cao ý thức phòng tránh cho nhân dân, nhưng tùy vào tình hình phức tạp thì có thể áp dụng các hình thức phạt nặng hơn.
Đối với hành vi che giấu dịch bệnh
Theo điểm 1 khoản 2 điều 11 Nghị định Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với các hành vi Che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch;
Trường hợp, người trốn tránh cách ly/trốn khỏi nơi cách ly/ không đeo khẩu trang/che giấu bệnh mà gây ra hậu quả lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người khác thì có thể bị xử lý hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo quy định tại Điều 240 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017; tùy hậu quả xảy ra có thể bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 12 năm.
Luật sư Long cho hay, hiện nay chế tài xử lý các hành vi này tuy đã có quy định cụ thể nhưng chưa đủ mạnh để răn đe. Thực tế rất nhiều trường hợp trốn tránh, giấu bệnh vẫn chưa được xử lý.
Luật sư nói: Được biết chỉ có trường hợp tại Long Biên (Hà Nội) thuộc diện cách ly F1 bị xử phạt 10 triệu đồng về hành vi trốn tránh cách ly. Các trường hợp trốn tránh, giấu bệnh cần được xử lý nghiêm để có tính răn đe hơn.