vĐồng tin tức tài chính 365

Tiếp câu chuyện về trợ cấp: Khi quyền sử dụng đất là đối tượng tranh chấp tại WTO

2020-12-06 12:52

Tiếp câu chuyện về trợ cấp: Khi quyền sử dụng đất là đối tượng tranh chấp tại WTO

Dương Văn Học (*)

(TBKTSG) - Hơn một chục năm về trước, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã đưa ra một phán quyết về trợ cấp gây tranh cãi dữ dội đối với quyền sử dụng đất. Mỹ cho rằng Chính phủ Trung Quốc cấp quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp xuất khẩu nước này dưới giá thị trường nên mở điều tra và áp thuế chống trợ cấp. Trung Quốc kiện Mỹ ra WTO và cơ quan “xét xử” của tổ chức này tuyên Trung Quốc thua trắng tay!

Qua chuyện quyền sử dụng đất đã được WTO “bật đèn xanh” cho điều tra chống trợ cấp, Việt Nam đang là đối tượng rất dễ dính vào những tranh cãi pháp lý phiền phức. Ảnh: THÀNH HOA

Tuy Trung Quốc không khởi kiện lại về việc liệu chính phủ một quốc gia cung cấp quyền sử dụng đất “giá hời” có phải là một dạng tài trợ hay không, nhưng kết quả vụ kiện cho thấy chuyện phân bổ quyền sử dụng đất như thế nào giờ không hẳn là chuyện “trong nhà” của một quốc gia nữa.

Sau Trung Quốc thì chưa nước nào bị dính cáo buộc “ưu ái gà nhà” kiểu này từ Mỹ để phải nhờ đến WTO phân xử. Điều này thì có vẻ rất “mới” và lại rất đáng lưu ý đối với nước ta.

WTO nghiêng về phía Mỹ

Khác với câu chuyện Mỹ được cho là quá đà khi coi phá giá đồng tiền là một dạng trợ cấp, vì việc này chưa có tiền lệ và khả năng rất cao vi phạm luật lệ WTO (TBKTSG, số 48-2020), WTO đã ủng hộ quan điểm của Mỹ trong vụ kiện này. Mỹ cho rằng việc cấp quyền sử dụng đất (ở Trung Quốc) thấp hơn so với giá thị trường đã tạo lợi thế cho doanh nghiệp xuất khẩu nước này.

Mỹ cũng nêu lên rằng Chính phủ Trung Quốc độc quyền phân phối quyền sử dụng đất nên giá đất trong nước Trung Quốc không đủ khách quan để tin dùng. WTO đã đồng ý với việc Mỹ lấy giá đất ở Bangkok (Thái Lan) làm giá tham chiếu nhằm tính toán giá trị trợ cấp và đây là một lập luận bị chỉ trích gay gắt trong giới chuyên môn.

Các thẩm phán tại WTO có thể đi quá xa so với những gì trước đây các nhà đàm phán đã viết nên luật tại Vòng đàm phán Uruguay và chính Mỹ cũng chỉ trích điều này. Nhưng khổ nỗi Mỹ chỉ “cự cãi” những cái bất lợi về mình, nên trường hợp này thì không!

Việc phân bổ quyền sử dụng đất là quyền hạn tối cao của một quốc gia, vì thế phán quyết này coi như đã mở ra một tiền lệ đáng lo ngại! Tuy nhiên, dù chỉ trích kiểu gì thì phải thừa nhận một thực tế là quyền sử dụng đất đã được đem ra bàn luận tại WTO.

Bài học gì cho Việt Nam?

Quyền sử dụng đất tuy là phạm trù về sở hữu được quy định trong Hiến pháp của hầu hết các quốc gia, nhưng nó cũng là một nhân tố đầu vào quan trọng trong sản xuất. Giá trị quyền sử dụng đất lại không nhỏ trong chi phí sản xuất, nên mọi động thái “đại hạ giá” để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đều được đặc biệt chú ý. Trong thời đại “cơm áo gạo tiền” của cạnh tranh toàn cầu, mỗi ưu thế nhỏ về giá thôi cũng đủ đẩy hàng loạt đối thủ ra khỏi cuộc chơi, thì chuyện Mỹ ra tay là điều dễ hiểu.

Điểm mấu chốt trong tranh chấp này là chính phủ cung cấp quyền sử dụng đất dưới giá thị trường cho doanh nghiệp và vị thế của chính phủ ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá đất trong nước. Đến đây ta có thấy đâu đó hình bóng cơ chế giá đất ở nước ta không?

GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, sau 15 năm nguyên tắc giá đất phải phù hợp với thị trường được quy định, giá đất giao cho các đơn vị thuộc nhà nước chỉ đạt 30% so với thị trường(1). Vậy các đơn vị thuộc Nhà nước ở đây có bao gồm doanh nghiệp nhà nước chăng? Liệu giá đất khi giao cho doanh nghiệp dân doanh có tiệm cận giá thị trường không?

Rõ ràng, cơ quan nhà nước đã chưa hay cố tình chưa tìm ra cơ chế để xử lý sự chênh lệch này, và đây được xem là việc “vi phạm” pháp luật hiển nhiên nhất thời nay. Chuyện hai giá kiểu này cũng là nguyên nhân của những tranh chấp đất đai triền miên, gây bất ổn thị trường bất động sản, làm suy yếu lợi thế cạnh tranh quốc gia, là miếng bánh ngon của tham nhũng, lợi ích nhóm.

Nước ta nhấn mạnh xây dựng một nền kinh tế thị trường đầy đủ và phấn đấu để được các đối tác thương mại lớn công nhận là nền kinh tế thị trường, nhằm tham gia sân chơi quốc tế được bình đẳng hơn. Nhưng nhìn vào chênh lệch giá đất và vai trò của Nhà nước trong phân phối đất đai thì chắc còn lâu các đối tác khó tính, đặc biệt là Mỹ, thừa nhận quy chế thương mại bình thường này đối với nước ta.

Mặc dầu theo cam kết gia nhập WTO, hết năm 2018 thì Việt Nam về nguyên tắc được xem là nền kinh tế thị trường, nhưng đó chỉ là luật ở trên giấy. Khi Mỹ mở điều tra chống trợ cấp về phá giá tiền tệ đối với Việt Nam thì coi như ngầm hiểu ước mơ công nhận kinh tế thị trường còn quá xa.

Giờ nhìn qua chuyện quyền sử dụng đất đã được WTO “bật đèn xanh” cho điều tra chống trợ cấp, rõ ràng Việt Nam đang là đối tượng rất dễ dính vào những tranh cãi pháp lý phiền phức này. Điều này có nghĩa chuyện giá thị trường đối với quyền sử dụng đất không chỉ là chuyện “bất hợp pháp” theo luật nước ta, mà rất có khả năng vi phạm luôn luật lệ của WTO.

Luật Đất đai hiện đang trong quá trình sửa đổi và bài toán khó về giá đất cần phải được giải quyết cho ổn thỏa. Quốc hội phải nhận thấy tính cấp thiết của việc xây dựng cơ chế giá quyền sử dụng đất tiệm cận giá thị trường, nếu không, có thể một ngày không xa ta sẽ ra “hầu tòa” tại WTO.

(*) Giảng viên trường Đại học Cần Thơ

 

(1) https://vnexpress.net/bi-an-gia-dat-3990068.html (truy cập 26-11-2020)

Xem thêm: lmth.otw-iat-pahc-hnart-gnout-iod-al-tad-gnud-us-neyuq-ihk-pac-ort-ev-neyuhc-uac-peit/192113/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tiếp câu chuyện về trợ cấp: Khi quyền sử dụng đất là đối tượng tranh chấp tại WTO”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools