Nghệ sĩ múa Ngọc Khải trong chương trình nghệ thuật Bão xuyên - Ảnh: MAI THƯƠNG
Những phút phiêu diêu cùng những chuyển động cơ thể của biên đạo - nghệ sĩ múa Ngọc Khải, tiếng trống, tiếng sáo, viola, âm nhạc điện tử và trình diễn ánh sáng vừa cho khán giả cảm giác no nê khi ăn một bữa tiệc lại vừa thiếu, thèm.
Tuy ngắn ngủi nhưng chương trình cũng kể đủ với khán giả những "đoạn trường" mà trái đất đã và đang đi qua cùng với loài người và muôn vật, chỉ bằng âm nhạc, ánh sáng, visual art (những hình ảnh được chiếu lên quả cầu, lên cánh cửa, lên tường) và những chuyển động như "những bức họa vào không khí" của nghệ sĩ.
Đầu tiên là một trái đất tươi xanh cây trái, những chuyển động múa của nghệ sĩ cũng tươi vui như con người sống trong hành tinh đó. Tiếp đến là cơn bão hung dữ càn quét qua trái đất, thể hiện qua âm nhạc và hình ảnh bão tố, những đôi mắt đầy dấu hỏi của muông thú được chiếu trên quả cầu. Và khi trái đất tổn thương, con người cũng đổ gục…
Bão xuyên đầy chất suy tưởng, đầy những giằng xé và chất vấn về cách con người đối xử với chính mình, với đồng loại và với trái đất nhưng lại rất quyến rũ (chứ không khó xem như các chương trình có gắn mác "nghệ thuật đương đại").
Màn múa bóng với luồng ánh sáng cực mạnh như truyền tải sự phản tỉnh của loài người, con người bớt ham muốn, ích kỷ, trở lại với bản tính nguyên sơ…, Bão xuyên lúc này trở thành một gợi ý mạnh mẽ về một ứng xử hồn nhiên và hòa thuận hơn của con người với người mẹ thiên nhiên của mình, và giữa con người với chính con người, với cha mẹ. Cha mẹ đã lắng nghe từ khi ta còn là một bào thai, nhưng ta lớn khôn có dành nhiều thời gian lắng nghe cha mẹ?
Cái lạnh đêm đông Hà Nội chẳng cản được khoảng 250 người tiếp tục ngồi lại ngoài trời chuyện trò với nghệ sĩ. Một nữ khán giả, cũng là người điều hành một trung tâm múa đương đại cho mọi người, nói chị rất thích chương trình, mọi thứ rất thú vị, từ màn hòa quyện tuyệt vời và đầy cảm xúc giữa trình diễn múa với âm nhạc, ánh sáng, nhưng chị "ước" chương trình kéo dài hơn một chút cho thỏa cơn thèm của khán giả.
Nghệ sĩ Ngọc Khải cho biết anh và nhóm của mình đã phải tính toán thời lượng của chương trình phù hợp để cả nghệ sĩ và khán giả đều không bị… cảm lạnh, và các nghệ sĩ sẽ sẵn sàng mang đến một đêm diễn dày dặn hơn nếu có cơ hội tiếp tục diễn Bão xuyên trong một sân khấu trong nhà.
Một trong những điểm sáng của chương trình múa đương đại này là sự khiêm nhường của nghệ sĩ múa trước các nghệ sĩ thuộc loại hình nghệ thuật khác, để công chúng vừa được suy tư với nghệ thuật, lại cũng vừa được giải trí cân xứng.
Mang tên một chương trình múa, nhưng nghệ sĩ Ngọc Khải biết tiết chế phần mình để khán giả được cân bằng giữa những màn múa đương đại đôi khi khá "nặng" với âm nhạc có những lúc dồn dập, lúc bay bổng.
Với thành công trong đêm 6-12, công chúng đang hi vọng sẽ được xem một Bão xuyên trọn vẹn hơn ở một không gian khác, một nhà hát đẹp.
Đeo khẩu trang đứng, ngồi xem, nghe trình diễn nghệ thuật đương đại Bão xuyên tối 6-12, khán giả ra về với cảm giác vừa thỏa mãn vừa day dứt suy tư.
70% đạo cụ trong chương trình là vật liệu tái chế
Tuy chỉ 40 phút thăng hoa của nghệ sĩ và khán giả, nhưng 3 tấn thiết bị âm thanh ánh sáng đã được chuẩn bị cùng một dàn trống và những nhạc cụ khác. Ngoài ra, chỉ một đạo cụ là "dây rốn", hay bộ quần áo biểu diễn của nghệ sĩ Ngọc Khải, đội ngũ sáng tạo đã tỉ mỉ và kỳ công may, tết từ vải cũ, thừa mà nhóm vận động người dân TP.HCM quyên góp cho dự án.
Khoảng 70% đạo cụ trong chương trình, dù ít ỏi, là vật liệu tái chế, ngoại trừ quả bóng biểu tượng cho trái đất mà nghệ sĩ trình diễn cùng, đồng thời đóng vai trò như một màn chiếu là phải mua mới, do đến ngày cuối không thể tận dụng được quả bóng của chương trình khác.
TTO - Nhà hát Opera Sydney, đại kim tự tháp của Ai Cập, tháp Eiffel ở Paris, tượng Chúa Kitô cứu thế của Brazil và tòa nhà Empire State ở New York... sẽ tắt điện trong 'Giờ Trái đất'.
Xem thêm: mth.9251200180210202-tad-iart-iov-av-at-iov-ig-mal-ad-at/nv.ertiout