Ông Putin đã khởi đầu cuộc xâm lược quân sự vào Ukraine hôm 24/2 và yêu cầu quân đội của Kiev hạ vũ khí, chỉ một ngày sau khi phương Tây áp đặt loạt đòn cấm vận vào Nga. Tổng thống Joe Biden sẽ họp với các nhà lãnh đạo Nhóm G7 và công bố các biện pháp khác để trừng phạt Nga vì cuộc chiến.
Các chuyên gia tài chính và địa chính trị cho rằng Trung Quốc sẽ giúp Nga chống chọi với trừng phạt của phương Tây, chủ yếu thông qua mua bán tài nguyên và cho vay qua ngân hàng nhà nước.
Ông Tom Raferty, nhà phân tích của Economist Intelligence Unit nói: "Mức độ trợ giúp Trung Quốc dành cho Nga có thể là yếu tố ảnh hưởng đến sự định hình của cuộc khủng hoảng liên tục biến chuyển này".
Kể từ khi Nga tập trung 190.000 lính gần biên giới Ukraine, Bắc Kinh đã cố gắng tìm ra điểm cân bằng giữa sự ủng hộ của Chủ tịch Tập Cận Bình với ông Putin và lợi ích riêng của Trung Quốc trong sự ổn định của khu vực.
Theo Financial Times, vài giờ sau khi cuộc xâm lược nổ ra, đại sứ của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc vẫn khẳng định "cánh cửa đến giải pháp hòa bình" vẫn chưa khép lại hoàn toàn và kêu gọi các bên kiềm chế.
Tuy nhiên chỉ một ngày trước, Bắc Kinh lặp lại sự phản đối với "tất cả các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp".
Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với phóng viên ở Bắc Kinh: "Kể từ 2011, Mỹ đã áp hơn 100 lệnh trừng phạt lên Nga. Nhưng những lệnh trừng phạt đó có giải quyết được rắc rối nào không? Chúng có biến thế giới thành nơi tốt đẹp hơn không? Liệu vấn đề Ukraine có được giải quyết nhờ Mỹ trừng phạt Nga không? Liệu an ninh châu Âu có được đảm bảo tốt hơn nhờ Mỹ trừng phạt Nga?"
Bà Hoa cũng đổ lỗi Mỹ là "thủ phạm" của khủng hoảng Ukraine, "gia tăng căng thẳng, tạo ra hoảng loạn và thổi phồng khả năng xảy ra chiến tranh".
Chiều 24/2, khi được hỏi hành động quân sự của Nga ở Ukraine có phải một cuộc xâm lược hay không, bà Hoa Xuân Oánh cũng né tránh, không trả lời thẳng, đồng thời đổ lỗi cho Mỹ "thổi bùng ngọn lửa chiến tranh".
Bắc Kinh đã không ít lần hỗ trợ kinh tế cho Moscow trong những lần ông Putin đối đầu với phương Tây, bao gồm cả khi Nga sáp nhập Crimea đầu 2014.
Ông Jakub Jakobowski, thành viên cấp cao tại chương trình Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Phương Đông ở Warsas khẳng định: "Nếu phương Tây không áp đặt cái giá hữu hình thực sự lên Trung Quốc, Trung Quốc vẫn sẽ giúp đỡ Nga dù không công khai".
Các ngân hàng chính sách lớn của Trung Quốc được cho là sẽ trở thành đường dẫn quan trọng cho hỗ trợ kinh tế Nga.
Đến nay, Nga là nước nhận nhiều tiền vay nhất từ các tổ chức chính thức của Bắc Kinh, lên đến 151 tỷ USD trong giai đoạn 2000-2017, theo dữ liệu từ phòng nghiên cứu quốc tế AidData tại Đại học William & Mary.
Đặc biệt, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc được cho là không bị tác động bởi các hình phạt của phương Tây.
"Hai ngân hàng này có ít giá trị chịu rủi ro tới hệ thống USD và nhiều lựa chọn hơn để tài trợ hoạt động bằng những phương thức khác biệt hoặc sáng tạo, và do đó không dễ bị tổn thương bởi lệnh trừng phạt".
Ông Jakobowski nói thêm rằng hoạt động cho vay chính của các ngân hàng chính sách Trung Quốc diễn ra ở "phía nam địa cầu". "Ngân hàng chính sách không phải lo bị giáng đòn vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ nhiều như ngân hàng thương mại. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ một lần nữa cho Nga vay thông qua mô hình nhà nước-tới-nhà nước".
Kể từ 2014, năng lực của Bắc Kinh trong việc giảm thiểu tác động từ lệnh trừng phạt đã cải thiện rõ rệt khi Trung Quốc và Nga giảm dần việc sử dụng đồng USD trong thương mại song phương.
Quan hệ kinh tế Nga-Trung cũng được củng cố, thương mại song phương kỳ vọng đạt kỷ lục 140 tỷ USD trong 2021, phản ánh mức tăng trưởng hai chữ số suốt nhiều năm.
Sự thành công của những nỗ lực của Nga nhằm thoát khỏi hậu quả từ các lệnh trừng phạt bằng cách thúc đẩy thanh toán bằng các loại tiền tệ khác được phản ánh trong các thỏa thuận năng lượng gần đây với Trung Quốc.
Những thỏa thuận này né tránh hệ thống tài chính dựa trên đồng USD với những khoản vay và tín dụng bằng đồng nhân dân tệ. Khi ông Tập và Putin gặp nhau tại Bắc kinh đầu tháng này, hai tập đoàn dầu khí quốc gia Gazprom của Nga và CNPC của Trung Quốc ký thỏa thuận 25 năm về nguồn cung ứng khí đốt mới có tên Power of Siberia.
Rosneft, nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu của Nga đáp ứng 7% nhu cầu dầu hàng năm của Trung Quốc. Tháng này, Rosneft đồng ý với CNPC về việc cung cấp 100 triệu tấn dầu cho Trung Quốc thông qua Kazakhstan trong hơn 10 năm.
Nga và Trung Quốc cũng đang hợp tác xoay quanh dự án đường ống dẫn khí đốt thứ ba qua Mông Cổ. Một số nhà phân tích cho biết thỏa thuận có thể được ký kết vào cuối năm nay.
Tuần trước, Gazprom Neft trở thành công ty đầu tiên chuyển tất cả các khoản thanh toán liên quan tới việc cung cấp nhiên liệu cho máy bay Nga ở Trung Quốc sang đồng nhân dân tệ.
Tuy vậy, các chuyên gia lưu ý rằng một phần lớn giao dịch của Nga vẫn được thực hiện thông qua hệ thống USD. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Nga và Trung Quốc thực hiện 8,7% giao dịch bằng đồng ruble và 7,1% bằng các loại tiền tệ khác, theo dữ liệu của ngân hàng trung ương Nga. USD và Euro lần lượt chiếm 36,6% và 47,6% thương mại Nga-Trung.
Mỹ cũng đang xem xét hạn chế xuất khẩu để cắt đứt nguồn cung chip máy tính sang Nga, tương tự như cách Mỹ nhắm vào Huawei của Trung Quốc, theo các quan chức ở Đài Loan, Nhật Bản và nhà ngoại giao ở châu Á. Động thái này có thể làm tê liệt nguồn cung cấp linh kiện quan trọng cho các ngành công nghiệp của Nga, từ viễn thông đến thăm dò dầu khí.