Sau 4 lần dự kiến bất thành, Eximbank muốn tổ chức 2 đại hội cổ đông liên tiếp
Dũng Nguyễn
(TBKTSG Online) - Eximbank tiếp tục lên kế hoạch họp đại hội cổ đông thường niên cho năm 2020 (lần thứ năm dự kiến tổ chức) vào ngày 26-4 và đại hội cổ đông thường niên năm 2021 chỉ một ngày sau đó.
Đại hội cổ đông lần thứ ba của Eximbank bị hủy vì dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp vào tháng 8-2020. Ảnh: C.T. |
Hội đồng quản trị Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa thông báo lịch tổ chức đại hội cổ đông thường niên cho năm 2020 triệu tập lần thứ ba và cho năm 2021.
Cụ thể, lịch tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2020 vào ngày 26-4 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Hà Nội (với cổ đông tham gia theo danh sách chốt ngày 10-3-2020). Sau đó một ngày, tức 27-4, Đại hội đồng cổ đông năm 2021 dự kiến được tổ chức.
Đặc biệt, trong phiên họp ngày 27-4, ngoài những nội dung thuộc thẩm quyền đại hội cổ đông thường niên 2021 theo quy định, HĐQT Eximbank còn đề nghị thảo luận các nội dung của phiên họp ngày 26-4 nếu không được thông thông qua, tức thảo luận các vấn đề của đại hội cổ đông thường niên năm 2020.
Eximbank đã từng có dự định tổ chức cuộc họp đại hội cổ đông thường niên năm 2020 và đại hội cổ đông bất thường năm 2019 vào cùng ngày 30-6-2020.
Như vậy, trong năm ngoái Eximbank đã bốn lần lên lịch họp cổ đông thường niên nhưng đều không thành. Hai lần đầu tiên là do không đủ số cổ phần biểu quyết tham gia (ít hơn 65% và 51%), hai lần còn lại bị hủy vì trùng với thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Đáng chú ý là lịch họp đại hội cổ đông bất thường năm 2019 cho đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Cổ đông lớn Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) nhiều lần gửi thư thông báo đến HĐQT và đồng gửi Ngân hàng nhà nước, thúc giục triệu tập phiên họp đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019 lần hai “trong thời gian sớm nhất có thể theo các điều khoản và điều lệ của Eximbank”.
Eximbank vẫn chưa thể tổ chức đại hội cổ đông trong bối cảnh mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông chưa có dấu hiệu chấm dứt. Vấn đề tranh chấp ghế ở HĐQT Eximbank vẫn chưa hết “nóng”. Trước kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 vào cuối tháng 6 và tháng 7 năm ngoái, HĐQT của Eximbank đều có biến chuyển về nhân sự.
Theo báo cáo quản trị năm 2020, HĐQT Eximbank hiện có 9 thành viên, trong đó ông Yasuhiro Saitoh giữ chức Chức tịch. SMBC đã gửi công văn yêu cầu Eximbank bổ sung nội dung cho phiên họp cổ đông thường niên là giảm số lượng thành viên HĐQT từ 9 người xuống còn 5-7 người, thông qua việc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với từng thành viên.
Năm 2020, Eximbank báo lãi trước thuế đạt 1.340 tỉ đồng, tăng 22%, đạt mức hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch mà ban điều hành đưa ra (chưa được đại hội cổ đông thường niên thông qua). Trong khi đó, dư nợ cho vay trong năm ngoái giảm 11%.
Theo ông Nguyễn Cảnh Vinh, Quyền Tổng giám đốc Eximbank, ngân hàng không nới lỏng cho vay mà thậm chí còn tiếp tục phê duyệt tín dụng chặt chẽ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực lên kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Dù quy mô tín dụng và huy động sụt giảm nhưng việc tái cơ cấu danh mục cho vay đã giúp cải thiện mức sinh lời của tài sản. Tái cấu trúc danh mục đi cùng với việc cắt giảm chi phí hoạt động, và kế hoạch kinh doanh mới nên con số lợi nhuận tích cực vượt kỳ vọng.
Tháng 9 năm ngoái, đơn vị xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard & Poor’s Global Ratings công bố mức tín nhiệm đối tác dài hạn của Eximbank được giữ nguyên B+ với triển vọng “ổn định” trong năm 2020, không thay đổi so với mức xếp hạng đã công bố vào tháng 9-2019. |