Với giá trị vốn hóa chiếm đến 1/3 thị trường, cổ phiếu ngân hàng luôn được giới đầu tư quan tâm và sở hữu nhiều trong danh mục. Những nhà đầu tư non tay sẽ thường chỉ quan tâm ngân hàng này to hay ngân hàng kia báo lãi khủng, hỏi xem "đánh con nào, 3 chữ cái là gì". Để lựa chọn một vài cổ phiếu đáng để “chọn mặt gửi tiền” bền vững, các nhà đầu tư cần tìm hiểu chọn lọc dựa trên các cơ sở nhất định, đặc biệt là các nhà đầu tư mới chưa có nhiều kinh nghiệm.
Trong talkshow Bí mật đồng tiền số 11 với chủ đề “Hoa hậu làng bank”, các chuyên gia đã chỉ ra những chỉ số cơ bản để chọn lựa được một ngân hàng tốt.
CASA
CASA là gì và tại sao CASA quan trọng với ngân hàng. Hiểu 1 cách đơn giản CASA là tỷ lệ lượng tiền mặt không kỳ hạn trong tổng số lượng tiền gửi khách hàng. CASA càng lớn thì ngân hàng càng có thêm nhiều nguồn lực để họ phục vụ mục đích kinh doanh.
“CASA là chỉ tiêu nói đến hiệu quả kinh doanh của một ngân hàng. Nói đơn giản hơn tỷ lệ CASA càng lớn thì khả năng sinh ra lợi nhuận của ngân hàng càng cao”, ông Phạm Lưu Hưng - Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI (SSI Research) giải thích đơn giản.
Bà Nguyễn Hằng Nga- Giám đốc quỹ đầu tư Vietcombank phân tích chi tiết hơn: “Cuộc đua CASA giữa các ngân hàng rất nóng trong những năm vừa qua. Techcombank là ngân hàng đầu tiên đã bỏ toàn bộ phí giao dịch. Sau đó tỷ lệ CASA của ngân hàng này tăng lên rất mạnh như cuối năm ngoái là trên 50%. Sau đó rất nhiều ngân hàng đã phải tham gia cuộc đua CASA này bởi CASA làm cho chi phí vốn của TCB giảm đi rất nhiều. Và lãi biên của ngân hàng này tăng 5-6%, đây là mức rất cao. Đến cuối năm 2021, những ngân hàng lớn như Vietcombank hay BIDV cũng phải tham gia vào cuộc đua này. CASA rất quan trọng với chi phí vốn.
Điểm thứ 2 để đánh giá mức độ số hóa của ngân hàng mọi người hay đánh giá về chỉ số CASA. Bởi vì nếu ngân hàng có nhiều khách hàng thì số tiền họ dùng để thanh toán sẽ cao hơn. Điều này chứng tỏ ngân hàng này số hóa thành công. Chỉ số CASA là một chỉ số quan trọng để đánh giá mức độ số hóa của các ngân hàng”.
Nguồn: SSI Research.
Theo thống kê CASA năm 2021, TCB đứng đầu với mức 50,5%. Tiếp theo là MBB với 48,7%. Tiếp theo là VCB ở mức 35,7%.
Không chỉ xem xét con số tuyệt đối CASA vào thời điểm cuối năm, bà Hằng Nga cho rằng cần xem xét đến sự cải thiện chỉ số này qua các năm. Nếu nhìn mức độ cải thiện so với năm 2020 thì VPB tăng được 7%, STB chỉ tăng được 3-4%. Vì vậy khi lựa chọn ngân hàng chuyên gia này nên chọn những nhà băng có sự cải thiện nhanh hơn.
ROE
Nếu ví von ROE, ROA với tiêu chuẩn chọn người đẹp, theo ông Phạm Lưu Hưng khá giống chỉ tiêu chiều cao. Đối với bà Nguyễn Hằng Nga, khi xem xét một ngân hàng có thể xem chi phí vốn, lãi biên thuần, lợi nhuận, nhưng cuối cùng với một đồng vốn bỏ vào ngân hàng thì tạo ra bao nhiêu đồng là chỉ tiêu quan trọng nhất.
“Đối với ngân hàng, ROE là chỉ tiêu chốt, mình nhìn vào đầu tiên để biết ngân hàng có hiệu quả hay không. Tất nhiên sau đó chúng ta cần phân tích để đóng góp vào con số này thì các yếu tố cấu thành ra sao. ROE là cái nhìn đầu tiên để thấy hiệu quả của ngân hàng”, giám đốc quỹ đầu tư Vietcombank cho biết.
Theo thống kê ROE của MBB cao nhất là 26,1%, tiếp theo là TCB với 21,3%. Tỷ lệ này của VCB là 19,6%, TPB cũng xấp xỉ mức 19,7%.
Đối với 2 ngân hàng có cùng ROE như VCB, TPB, bà Nga cho rằng cần xem chất lượng lợi nhuận ra sao. Ví dụ VCB và TPB có cùng ROE nhưng tỷ trọng bao phủ nợ xấu của VCB là 400%. Điều này có nghĩa là họ đã ghi nhận chi phí dự phòng rất nhiều, không có lợi nhuận bất thường. Trong khi đó TPB trong năm 2021 có khoản lợi nhuận bất thường đến từ chứng khoán đầu tư.
P/B
Trong định giá ngân hàng, chỉ số P/B thường được quan tâm hơn P/E. Theo giải thích của bà Nguyễn Hằng Nga, tại các thị trường phát triển giá trị sổ sách của ngân hàng được tính sát với giá thị trường. Tài sản của các ngân hàng được tính theo giá thị trường. Do đó chỉ số P/B để so sánh với các tài sản mà họ đang có đang được tính theo giá thị trường thì nhà đầu tư đang trả cho nó với giá bao nhiêu. Ngoài ra với ngân hàng, vốn của ngân hàng rất quan trọng, thể hiện mức độ an toàn của ngân hàng đến đâu. Chính vì vậy chỉ số CIR cũng rất quan trọng trên thế giới. Đó là lý do vì sao khi định giá ngân hàng thường dùng P/B.
Một lý do khác là đối với chỉ số P/E thì lợi nhuận ngân hàng có thể thay đổi được thông qua chi phí dự phòng. Các ngân hàng khác nhau sẽ có chiến lược riêng và tỷ lệ bao phủ nợ xấu khác nhau. Nên chỉ số P/E không thể hoàn toàn chính xác được.
Bổ sung ý kiến bà Nga, ông Phạm Lưu Hưng cho rằng đặc điểm của ngành ngân hàng hiệu quả hoạt động dựa trên tài sản nên chỉ số P/B rất quan trọng. Chỉ số này có thể hiểu nôm na là càng nhỏ càng tốt và đi cùng với ROE. Nếu ví von thì có thể so sánh P/B với vòng 2 để lựa chọn người đẹp.
Ví dụ P/B của Vietcombank đang đứng đầu với mức 2,696. Bà Nga cho rằng nếu tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng này ở mức bình thường thì giá trị sổ sách cũng thay đổi nhưng tỷ lệ định giá P/B cũng chưa thể về mức như MBB, TCB.
P/B gắn liền với ROE. Nếu nhìn vào MBB, TCB sẽ thấy 2 chỉ số này khá tương đồng thì theo bà Nguyễn Hằng Nga cần xem xét bức tranh lớn hơn. Chuyên gia này cho rằng năm vừa rồi có sự chuyển mình rất mạnh của MBB. Ngân hàng này cũng rất đa dạng trong hoạt động kinh doanh. Bà Nga cho rằng điều này khiến bà yên tâm hơn so với TCB khi ngân hàng này đang tập trung vào mảng bất động sản.
http://tintuc.vdong.vn/03/1265160.htmMộc An
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị