Sau một thời gian lâm bệnh nặng, được đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 tận tình điều trị, nhưng Trung tướng Lê Nam Phong đã qua đời vào trưa ngày 26-3, thượng thọ 95 tuổi.
Trung tướng Lê Nam Phong là vị tướng có nhiều biệt danh như Nam “lửa”, Nam “bình toong”, Nam “hỏa lực”, “hùm xám Đông Nam bộ” và “bố Năm” do cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên Trường Sĩ quan Lục quân 2 tặng.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp (từ năm 1945 đến 1954), Trung tướng Lê Nam Phong đã có mặt trong tất cả trận đánh lớn như chiến dịch Biên giới, Hà Nam Ninh, Hòa Bình cho đến chiến dịch Điện Biên Phủ.
Sinh thời, ông tâm sự: Trận đánh không bao giờ phai nhòa trong đời mình là “36 ngày đêm mưa dầm cơm vắt” khi chiến đấu ở lòng chảo Điện Biên.
Khi đó, ông cùng đồng đội được cấp trên giao mở cửa đột phá để các đơn vị thọc sâu vào công đồn.
Đơn vị gồm 120 bộc phá viên, được tuyển chọn từ những người ưu tú, nhanh nhẹn để đảm nhiệm công việc dọn đường cho bộ binh mở các đợt tấn công thọc sâu. Công việc dọn đường phải đảm bảo các yếu tố nhanh, sạch, thẳng và đúng hướng.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông bảo dấu ấn khó quên nhất là trực tiếp đánh chiếm đồi Độc Lập và ông “chết” với cái tên Phong “trọc”, trong “đại đội đầu trọc”.
Năm 1954, “đại đội đầu trọc” của ông được giao nhiệm vụ đánh bộc phá đồi Độc Lập cho quân chủ lực đánh thẳng vào sào huyệt tướng De Castries.
Thông tin này đến tai Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng mãi đến một lần đi thị sát gặp ông, tướng Giáp mới hỏi tại sao lại cạo trọc đầu. “Lúc đó còn trẻ nên tôi hồn nhiên trả lời đại tướng là cạo trọc đầu để thề đánh thắng thực dân Pháp. Nghe vậy đại tướng rất thú vị”, sinh thời ông kể...
Trung tướng Lê Nam Phong nguyên là Tư lệnh Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 (hay còn gọi là Binh đoàn Cửu Long), thời chống Mỹ, Tư lệnh Quân đoàn I bảo vệ biên giới phía Bắc, Phó Tham mưu trưởng Mặt trận 719 - Bộ Quốc phòng giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, Giám đốc Trường Sĩ quan Lục quân 2.
Ông tên thật là Lê Hoàng Thống sinh năm 1927 tại xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nông dân nghèo.
Xuất thân là con nhà võ, tháng 3-1944, khi 16 tuổi ông tham gia làm liên lạc cho tổ chức Việt Minh bí mật trong vùng. Ông vào Đảng tháng 2-1948, chính thức ngày 4-9-1948 và liên tục tham gia hoạt động cách mạng cho đến năm 1997 thì nghỉ hưu.