Phản biện về vấn đề môi trường đối với dự án sản xuất gang thép 62.000 tỉ đồng
Nhân Tâm
(KTSG Online) - Hiện có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề môi trường, rác thải của Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 tại Khu Kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi.
Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất nằm trong Khu Kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi nhìn từ trên cao. Ảnh: Tư liệu |
Tại buổi Tọa đàm tư vấn, phản biện dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 do Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất tổ chức tại Quảng Ngãi hôm 24-3 vừa qua, các chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm trong ngành thép và lãnh đạo các sở, ngành chức năng của tỉnh đã đưa ra nhiều ý kiến phản biện về vấn đề xử lý rác thải và môi trường của dự án.
Trước đó, Tập đoàn Hòa Phát công bố sẽ phát triển và đưa vào vận hành dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 trên diện tích 283,73ha vào năm 2022, sau khi đạt 1 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) ra lò tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (giai đoạn 1),
Dự án này sẽ có công suất theo thiết kế là 5,6 triệu tấn thép mỗi năm, với tổng vốn đầu tư khoảng 62.000 tỉ đồng, dùng công nghệ hiện đại nhất hiện nay và tập trung sản xuất thép cuộn cán nóng HRC. Theo giải thích của nhà đầu tư, nhu cầu HRC tại thị trường trong nước mỗi năm ở khoảng 12 triệu tấn nhưng phải nhập khẩu đến 60% trong số này.
Khi thông tin dự án giai đoạn 2 được công bố vào tháng 2 vừa qua, cũng là lúc xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại về việc xử lý rác thải và bảo vệ môi trường của dự án.
Tại buổi tọa đàm, Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất cho biết, dự án sản xuất thép có chu trình sản xuất khép kín, các phụ phẩm tạo ra trong các công đoạn sản xuất như bụi lò, vẩy cán, xỉ luyện thép đều được thu hồi và đưa vào làm nguyên liệu cho các công đoạn trước.
Về xử lý môi trường, nhà đầu tư cho biết, nước được sử dụng theo quy trình tuần hoàn, không phát sinh nước thải ra môi trường. Nước thải sản xuất được xử lý theo quy trình nước thải sản xuất đạt tiêu chuẩn, sau đó được tái sử dụng vào các mục đích tưới cây, rửa đường và cấp bù vào nước dập xỉ, làm mát thiết bị… Khí thải lò luyện, khí than lò cao khử được lưu huỳnh, lọc bụi đạt tiêu chuẩn xả thải và tái sử dụng. Xỉ lò cao, xỉ luyện thép được nghiền mịn sử dụng làm phụ gia xi măng, gạch không nung cung cấp cho các nhà máy…
Tuy nhiên, tại tọa đàm, các chuyên gia có ý kiến rằng, dù việc lựa chọn công nghệ Lò cao - Lò chuyển BOF là hoàn toàn phù hợp với công nghệ truyền thống của ngành thép thế giới nhưng dự án chưa mô tả được rõ sự kết nối giữa các công đoạn và chưa đề cập đến các công nghệ tiết kiệm năng lượng và giảm tối đa lượng phát thải.
Đó là chưa kể đến sản xuất luyện kim luôn có những yếu tố tiêu cực tác động đến môi trường nếu không được quan tâm đúng mức bởi phải chế biến một khối lượng lớn quặng sắt, than, đá vôi… tiêu thụ khá nhiều năng lượng, phát thải với khối lượng lớn các chất thải khí/rắn/lỏng. Việc chủ đầu tư đưa giá trị đầu tư lớn vào bảo vệ môi trường (chiếm 30-35% tổng mức đầu tư), giá trị đầu tư vào thiết bị, công nghệ sẽ giảm, do vậy đề nghị cần phải có giải pháp thích hợp để đạt được cam kết mà chủ đầu tư đưa ra.
Tại buổi tọa đàm, có nhiều đề xuất về việc UBND tỉnh cần tạo điều kiện, hướng dẫn doanh nghiệp chi trả tạm ứng tiền bồi thường cho dân trước khi phương án được phê duyệt; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người dân đến khi có khu tái định cư để bà con yên tâm và sớm ổn định cuộc sống. Theo dự kiến, khoảng đầu năm 2022 sẽ hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư cho người dân.
Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất được trao giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 2-2017. Dự án được Tập đoàn Hoà Phát đề xuất trên cơ sở kế thừa dự án Liên hợp thép Quảng Ngãi Guang Lian đã được đầu tư 10 năm trước đó nhưng đình trệ. Dự án này đã có trong Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối thép giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2025 được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt tại quyết định ngày 31-1-2013. |
Còn nhớ vào đầu năm nay, giới báo chí trong nước đưa tin, người dân xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi lại bày tỏ sự bức xúc trước hoạt động gây ô nhiễm của nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất. Sở Tài nguyên - Môi trường Quảng Ngãi khi đó đã cử cán bộ lấy mẫu không khí khu vực xung quanh nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất và yêu cầu Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất phải cam kết về lộ trình thực hiện giảm tình trạng thải khói, bụi, mùi hôi, khét phát ra từ nhà máy.
Trước đó, cuối năm 2019, trong quá trình căn chỉnh chạy thử máy móc thiết bị ban đầu ở nhà máy luyện thép của Hòa Phát Dung Quất, bộ phận quạt hút của hệ thống lọc bụi tĩnh điện lò thổi xảy ra sự cố khiến bụi phát sinh trong lò thổi không được hút hết mà bay thẳng lên, phát tán qua mái nhà xưởng. Phát hiện sự việc, người dân đã nhanh tay ghi lại hình ảnh khí thải màu nâu đỏ bất thường bốc lên từ phía nhà máy.
Cuối tháng 5-2020, nhiều người dân tập trung trước nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất phản ánh tình trạng khu vực nhà máy thép thải ra không khí mùi hôi, khét.
Năm 2020, Hòa Phát đã đạt sản lượng gần 700.000 tấn HRC. Năm 2021, tập đoàn này dự kiến đặt mục tiêu 2,7 triệu tấn HRC, trên 5 triệu tấn phôi và thép xây dựng; trong đó, Khu liên hợp tại Dung Quất đóng góp toàn bộ HRC và một nửa kế hoạch sản lượng phôi và thép xây dựng toàn tập đoàn.
Tại Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu Công nghiệp tại Quảng Ngãi, đến nay có 353 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn hơn 296.700 tỉ đồng. Trong đó, 54 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 1,88 tỉ đô la và 299 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 254.600 tỉ đồng. Hiện, 169 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh với giá trị sản lượng công nghiệp, dịch vụ năm 2020 đạt 120.000 tỉ đồng; nộp ngân sách nhà nước 10.500 tỉ đồng; kim ngạch xuất khẩu ước đạt một tỉ đô la; giải quyết việc làm mới cho 5.050 lao động. |