Lao động chọn rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ thiệt hơn chờ nhận lương hưu, đặc biệt những người có quá trình tham gia trên 10 năm - Ảnh: DUYÊN PHAN
Có mặt ở BHXH TP Thủ Đức (TP.HCM) để làm thủ tục nhận BHXH một lần sáng 12-4, chị T.Tâm (34 tuổi, quê Đồng Tháp) cho biết có mặt ở đây từ hơn 6h sáng để xếp hàng lấy số thứ tự do người đến làm thủ tục nhận một lần "ngày nào cũng đông đen". Lần này chị mong rút khoản tiền BHXH đã đóng trong hơn sáu năm làm việc, được khoảng 47 triệu để "trang trải nợ nần, có tiền gửi con đi học để tiếp tục đi làm".
"Tới đâu tính tới đó"
"Phải rút tiền để trả nợ chứ đâu có xoay xở được tiền chỗ khác. Dịch giã phải ở nhà mấy tháng liền đã mượn nợ nhiều người giờ chưa trả hết nợ nên phải xoay tiền trả người ta", chị Tâm kể. Suốt đợt dịch hai năm qua, cả hai vợ chồng chị đều thất nghiệp, phải nuôi hai đứa con nhỏ nên phải vay mượn người này người kia. Sau khi dịch lắng xuống, chị Tâm đã đi làm lại nhưng chọn làm thời vụ để chờ lãnh BHXH một lần vì theo quy định sau 12 tháng không có việc làm mới có thể lãnh được.
Với những người lao động như chị Tâm, vài trăm ngàn đóng BHXH mỗi tháng là một khoản tiền đáng kể. "Giờ đâu có nghĩ chuyện hưu gì được. Tôi vẫn đang làm thời vụ, mỗi tháng làm bao nhiêu lãnh bấy nhiêu, không phải trích 400.000 đồng đóng BHXH. Đợi trả nợ xong, bớt khó khăn rồi mới tìm chỗ làm ổn định, ký hợp đồng rồi đóng BHXH tiếp", chị Tâm nói về tương lai sắp tới của mình. Hiện không đóng BHXH là cũng đang không có bảo hiểm y tế (BHYT), chị Tâm cũng lo chuyện đau ốm nhưng phải tặc lưỡi "Thì tới đâu tính tới đó".
Cũng là công nhân, chị Phan Thị Lệ Hồng (46 tuổi, quê An Giang) cũng đang làm thủ tục rút BHXH một lần để lấy tiền về quê. Chị lên TP.HCM hơn 10 năm nhưng trước đó làm gia công xưởng gia đình nên không ký hợp đồng, ba năm nay mới vào làm công ty. "Đợt dịch công ty trả lương lèng èng nên tôi nghỉ, chỉ còn chồng làm xây dựng tự do nuôi cả nhà. Cha mẹ ở quê đều đã hơn 80 tuổi nên vợ chồng tôi tính nghỉ về quê chăm sóc cha mẹ. Giờ về quê muốn làm ăn buôn bán thì phải có vốn nên đi rút BHXH một lần". Số tiền chị Hồng dự tính rút được hơn 20 triệu. Nhưng với chị nhiêu đó cũng đủ để khởi đầu cuộc sống mới ở quê nhà vì "đâu biết vay mượn ở đâu". Nhưng chị chắc chắn "về quê cũng không làm công ty vì đâu có thể đóng tiếp để chờ 20 năm có lương hưu như người ta nói".
Không chỉ có người làm công nhân lương thấp chọn cách lấy được khoản tiền lớn ngay. Chị Thanh Trúc (từng làm phụ trách hành chính nhân sự, trú tại TP Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ: "Mình rút BHXH một lần để đầu tư kinh doanh vì tính nhẩm được vài trăm triệu đồng. Trong khi tuổi nghỉ hưu càng kéo dài, chế độ an sinh xã hội không cải thiện nhiều, có đóng tiếp bảo hiểm thất nghiệp chỉ được hỗ trợ tối đa 12 tháng", chị Trúc phân tích.
Chị Trúc cũng có nỗi lo về độ tuổi 45 của mình bởi các công ty tư nhân thường "thay máu nhân lực" nên dù đóng được 15 năm 6 tháng nhưng chị vẫn quyết lãnh BHXH một lần. Bạn chị Trúc cũng rút BHXH ngay sau khi đủ 20 năm đóng.
Người dân tại TP.HCM làm thủ tục nhận BHXH một lần tại BHXH TP Thủ Đức, sáng 12-4 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Cần tuyên truyền rõ ràng
Chị Thanh Trúc mong muốn người lao động được biết quỹ BHXH vận hành ra sao, đầu tư như thế nào tránh mất niềm tin của người dân. Thực tế nhiều doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động ở mức thấp so với thu nhập, gần như bằng mức đóng tối thiểu vùng, có trưởng phòng lương 30 - 50 triệu đồng/tháng mà chỉ đóng theo mức 5,5 triệu đồng/tháng. "Thời gian chờ nhận BHXH cũng quá lâu, đến khi nhận được thì không đủ trả sinh hoạt phí nên nhiều người không mặn mà đến việc chờ nhận lương hưu", chị Thanh Trúc tâm sự.
TS Vũ Minh Tiến, viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), nhận định tình trạng gia tăng số người rút BHXH một lần đã diễn ra nhiều năm gần đây nhưng sau đại dịch đã có sự tăng đột biến kéo dài cho đến thời điểm này. Theo khảo sát của Viện Công nhân và công đoàn, phần lớn người lao động đi rút BHXH một lần là để giải quyết khó khăn kinh tế trước mắt.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Đình Quảng, phó trưởng ban chính sách - pháp luật, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng giải pháp cần làm cho bài toán rút BHXH một lần là tạo niềm tin cho người lao động với các chính sách như hưu trí, tử tuất, BHYT... song song với nghiên cứu giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm; có chế tài mạnh, quản lý chặt chẽ tránh doanh nghiệp viện cớ phá sản để chậm đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động... Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất giải pháp cho vay tín dụng thuận lợi cho người lao động khó khăn khi mất việc, tránh việc phải tìm tới "tín dụng đen".
Nguyên thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Minh Huân nhận định vấn đề cốt lõi là tuyên truyền, thuyết phục người lao động về tầm quan trọng của việc mất việc, nghỉ việc không còn tích lũy. Khi người lao động có nhận thức về quyền lợi BHXH như hưu trí, tử tuất... thì sẽ tạo niềm tin, an tâm đóng BHXH.
Trong khi đó, TS Đào Quang Vinh, nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), cho rằng điều quan trọng là lý giải nguyên nhân tại sao người lao động rút BHXH một lần. "Các giải pháp như bổ sung chế độ thai sản để thu hút thêm người tham gia BHXH tự nguyện; thêm trợ cấp nuôi con nhỏ cho lao động nữ... chỉ là một trong muôn vàn khó khăn của người dân nên cần nghiên cứu đầy đủ, toàn diện. Ngoài ra, cần có cơ chế, chế tài; hệ thống giám sát, quản lý; quy định rõ ràng công khai thông tin kết quả kinh doanh hay thu chi quỹ BHXH như thế nào, ai được tiếp cận để người dân tin tưởng", ông Vinh nêu quan điểm.
Người lao động làm thủ tục hưởng quyền lợi BHXH tại Trung tâm việc làm Hà Nội - Ảnh: HÀ QUÂN
Bình quân cứ hai người mới tham gia BHXH thì một người rời đi. Có đến 97% số người chọn rút một lần là lao động sau một năm nghỉ việc không đóng BHXH. Người rút chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ ngoài khu vực nhà nước, từ 26 - 29 tuổi. Tỉ lệ này ở nữ giới là 55,6%, nam giới là 44,4%.
Nhiều nước không cho rút một lần
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, việc nhận BHXH một lần khiến người lao động không tính toán được cần chi tiêu bao nhiêu tiền mỗi tháng khi về già. Ở nhiều nước, người về hưu sử dụng tiền rút BHXH một lần để khởi nghiệp, mua nhà, hỗ trợ cho con đi du học, hoặc du lịch nước ngoài, nên nhiều người tiêu hết tiền chỉ trong thời gian ngắn.
Khảo sát của Quỹ Bảo trợ người lao động của Malaysia (EPF) cho thấy hơn 70% số người rút tiền sớm đã tiêu sạch số tiền nhận một lần từ EPF trong vòng ba năm kể từ khi rút tiền một lần. Những người này sau đó phải sống nhờ tiền trợ cấp của Chính phủ dành cho người nghèo.
ILO khuyến nghị cơ quan chuyên môn cần áp dụng chế độ cho trẻ em và các chế độ ngắn hạn để người lao động tự nguyện ở lại hệ thống BHXH. Chẳng hạn có thể có một khoản trợ cấp cho trẻ em để giảm áp lực tài chính cho người lao động, từ đó họ không phải dùng đến số tiền hưởng BHXH một lần, nhất là lao động nữ trẻ và có con nhỏ.
Theo Hiệp hội An sinh quốc tế (ISSA) và ILO, có nhiều quốc gia không cho phép hưởng BHXH một lần như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Brazil, Canada, Argentina, Pháp, Nga và Đức.
Chờ luật sửa đổi
Tại lễ ký kết hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và phát triển thị trường lao động ngày 12-4, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh bộ và Chính phủ sẽ trình với Quốc hội về sửa đổi Luật BHXH, trong đó có 5 nhóm chính sách rất căn cơ, căn bản, bám theo tinh thần nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một thành viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết dự kiến Luật BHXH sửa đổi sẽ được trình tại kỳ họp thứ 6 và thông qua tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV. Tuy nhiên đến nay ủy ban chưa nhận được tờ trình của Chính phủ về dự thảo của luật này. Vị này cũng cho hay dù có một số thông tin trên báo chí phản ánh về các thay đổi trong dự thảo sửa đổi nhưng hiện nay ủy ban chưa nhận được tờ trình chính thức, do đó chưa thể thông tin, đánh giá gì được.
- TS Vũ Minh Tiến (viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam):
Cần giúp cho vay lãi suất thấp
Khó khăn kinh tế chỉ có thể giải quyết bằng trợ giúp kinh tế. Nhiều người lao động chỉ cần một khoản tiền không quá lớn, 15 - 20 triệu đồng để vượt qua khó khăn trước mắt.
Cần có những tổ chức, đoàn thể cho người lao động vay với lãi suất thấp và điều kiện vay không quá khó khăn. Chẳng hạn như mô hình của Tổ chức Tài chính vi mô CEP đang cho hàng trăm ngàn khách hàng là công nhân, người lao động thu nhập thấp vay vốn tự tạo việc làm, vay vốn cho các nhu cầu thiết yếu với lãi suất thấp.
Các công ty, doanh nghiệp cũng có thể lập ra các mô hình cho người lao động của công ty vay vốn không lãi suất và trừ dần vào lương hằng tháng...
- Ông Ngô Trung Thành (phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):
Lợi trước mắt, hại lâu dài
Việc nhận BHXH một lần có thể coi là "lợi trước mắt, hại lâu dài", bởi vì khi lựa chọn cách này, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu.
Vì vậy tới đây khi sửa đổi Luật BHXH cần phải xem xét quy định về hưởng BHXH một lần thật thấu đáo; nghiên cứu làm sao tạo cơ hội thuận lợi cho người đã hưởng BHXH một lần có cơ hội được quay trở lại đóng bù cho thời gian đã hưởng trước đó; nghiên cứu quy định làm sao để giảm thiểu các trường hợp hưởng BHXH một lần.
Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động thấy rõ được lợi ích, thấy rõ được trách nhiệm của mình với gia đình, xã hội để khắc phục khó khăn, không rút BHXH một lần nhằm đảm bảo cho chế độ BHXH được bao trùm lên toàn bộ các thành viên trong xã hội.
- Ông Mai Đức Chính (nguyên phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam):
Đa dạng mức đóng
Hiện nay người lao động nghỉ việc, sau 1 năm vẫn chưa có việc làm mới thì sẽ được rút BHXH một lần. Do đó có thể xem xét tăng thời gian này lên thành 2 - 3 năm. Đồng thời cần phải đa dạng mức đóng, thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu nhằm tạo động lực cho người lao động tham gia.
Trước đây quy định thời gian đóng để hưởng BHXH một lần là 15 năm, đến năm 2014 sửa luật nâng lên 20 năm nên làm giảm động lực tích lũy số năm đóng BHXH đến khi về hưu. Xu hướng sửa Luật BHXH kỳ này đang theo hướng giảm số năm đóng sẽ khắc phục dần điều này. Lộ trình giảm có thể xem xét chia làm 2 đợt là kéo giảm xuống 15 năm, sau đó có thể điều chỉnh xuống 10 năm. Khi đó người lao động chỉ cần đóng 10 năm là đã đủ điều kiện hưởng lương hưu thì họ sẽ có thêm động lực để giữ khoản tiền BHXH đến khi về hưu.
Thống nhất "phá lệ" đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 1-7
Hôm qua 12-4, Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1-7-2022 để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Do hai năm không tăng lương tối thiểu vùng và đời sống, thu nhập của một bộ phận người lao động đang rất khó khăn, Hội đồng Tiền lương quốc gia gồm Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam đã thống nhất tăng lương tối thiểu vùng 6% trong 18 tháng từ ngày 1-7-2022 đến 31-12-2023.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh, chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, chủ trì phiên họp tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động vào sáng 12-4 ở Hà Nội - Ảnh: HÀ QUÂN
Cụ thể: vùng I tăng 260.000 đồng; vùng II tăng 240.000 đồng; vùng III tăng 210.000 đồng và vùng IV tăng 180.000 đồng. Trước đó, mức tiền lương tối thiểu vùng gần nhất là từ ngày 1-1-2020 với vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - cho biết theo quy định của luật, đến tháng 10 tới mới quyết định tốc độ tăng lương tối thiểu áp dụng từ ngày 1-1 năm sau. Nhưng năm nay "phá lệ" tăng từ ngày 1-7 thì rõ ràng kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp cũng có mặt này mặt khác hạn chế.
"Song Hội đồng Tiền lương quốc gia là đơn vị trung gian đã làm việc với các bên và bỏ phiếu đưa ra được quyết định như vậy thì rất đáng hoan nghênh", ông Lợi nhìn nhận.
Tại lễ ký kết chương trình phối hợp về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và phát triển thị trường lao động ngày 12-4, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết các nước đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia phục hồi thị trường lao động nhanh nhất.
Tuy vậy, ông Dung nhìn nhận một bộ phận người dân còn có đời sống vất vả, doanh nghiệp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh… nên có tình trạng rút BHXH một lần. Ông đề nghị Bộ Công an phối hợp nghiên cứu, xem xét, xử lý nghiêm trường hợp trục lợi chính sách, lợi dụng lúc khó khăn của công nhân để mua bán BHXH.
HÀ QUÂN - THÀNH CHUNG
Người lao động TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai có thu nhập cao nhất nước
Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố hôm qua 12-4 trong cuộc họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý 1-2022. Theo đó, người lao động tại TP.HCM có thu nhập bình quân đạt 8,9 triệu đồng/tháng, tăng 36,5%, tương ứng tăng 2,4 triệu đồng/tháng so với quý trước.
Ba địa phương mà người lao động có thu nhập cao nhất cả nước trong quý 1 năm nay lần lượt là TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Thu nhập bình quân của người lao động tại Bình Dương trong quý 1 đạt 8,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 54%, tương ứng tăng 3 triệu đồng/người/tháng so với quý trước. Tại Đồng Nai, thu nhập bình quân của người lao động đạt 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 32,9%, tương ứng tăng 2,1 triệu đồng so với quý trước.
Báo cáo tác động của dịch COVID-19 đến tình hình lao động việc làm quý 1-2022 của Tổng cục Thống kê cho biết thu nhập bình quân của người lao động cả nước trong quý 1 đạt 6,4 triệu đồng/tháng, tăng 1 triệu đồng so với quý trước và tăng 110.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của lao động nam đạt 7,3 triệu đồng/tháng, cao gấp 1,36 lần thu nhập bình quân của lao động nữ đạt 5,4 triệu đồng/tháng.
Theo Tổng cục Thống kê, trong số hơn 16,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị tác động tiêu cực bởi đại dịch, có 0,9 triệu người bị mất việc; 5,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 5,7 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và có đến 13,7 triệu lao động bị giảm thu nhập.
B.NGỌC
TTO - Chỉ 3 tháng đầu năm 2022 toàn TP.HCM đã có khoảng 37.000 người làm thủ tục nhận BHXH một lần, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2021. Giám đốc BHXH TP.HCM lên tiếng cảnh báo không nên.
Xem thêm: mth.87154808031402202-ohk-naot-iab-iaig-taux-ed-ueihn-nal-tom-ioh-ax-meih-oab-tur/nv.ertiout