Ngày 15-7, ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026 vừa ban hành nghị quyết về việc điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách tỉnh.
Đầu tư trọng điểm vào hạ tầng giao thông
Theo đó, cuối năm 2020, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết số 113 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 nguồn vốn ngân sách tỉnh. Trong đó xác định tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 59.100 tỉ đồng.
Tuy nhiên trong điều hành kinh tế xã hội tỉnh năm 2021 và nửa đầu năm 2022 phát sinh 10 dự án hạ tầng giao thông kết nối cần nguồn vốn để triển khai ngay trong giai đoạn 2021-2025.
Các dự án gồm: Đầu tư nâng cấp, mở rộng 5 tuyến đường ven biển Vũng Tàu- Bình Châu (ĐT 994) quy mô 6 làn đường; Đường nối vào cao tốc Biên Hoà- Vũng Tàu (từ QL56 đến nút giao Vũng Vằn); Đường trục chính Bà Rịa- Vũng Tàu (từ nút giao Vũng Vằn đến vòng xoay QL51B, 51C) khoảng 16 km do tỉnh đầu tư xây dựng;
Đường ven biển Vũng Tàu - Bình Châu sẽ được đầu tư, nâng cấp mở rộng lên 6 làn xe. Ảnh: TK |
Bồi thường GPMB đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn tỉnh là 670 tỉ (50% tổng kinh phí); Bồi thường GPMB đường Vành đai 4 đoạn qua địa bàn tỉnh khoảng 2.000 tỉ đồng; Đầu tư tuyến đường Hội Bài - Phước Tân đấu nối từ cảng Cái Mép - Thị Vải qua QL 51 đấu nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tổng mức đầu tư 1.900 tỉ đồng.
“Với những đầu tư phát sinh như trên khái toán cần khoảng 17.000 tỉ đồng. Do đó cần có ngay một nghị quyết để điều chỉnh nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025”- ông Thuận nêu.
Kỳ họp đã bố trí thông qua gần 10.000 tỉ đồng để đầu tư 10 dự án hạ tầng giao thông kết nối nêu trên.
Dừng 21 dự án, chuyển 27 dự án qua giai đoạn sau
Để có kinh phí, ngoài khai thác nguồn thu mới, tăng thu, quản lý chặt chẽ nguồn thu, đấu giá đất công, tài sản công, đặc biệt khai thác quỹ đất công hai bên tuyến đường, tỉnh cũng sử dụng khoảng 90% nguồn vốn dự phòng…
Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn vốn, tỉnh phải rà soát lại các dự án đầu tư công trung hạn đã bố trí vốn nhưng không có khả năng để triển khai hoặc dự án nào cần lùi lại. Sự rà soát này trên cơ sở đề xuất của các địa phương. Theo đó, đã dừng 21 dự án, lùi chuyển sang giai đoạn sau 27 dự án.
Theo ông Thuận, để nguồn vốn đầu tư vào các dự án nêu trên thực hiện đúng kế hoạch đề ra, trong đó có bồi thường dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tỉnh đã thành lập hai ban chỉ đạo để chỉ đạo trực tiếp công tác bồi thường GPMB tại thị xã Phú Mỹ và TP Bà Rịa.
Hai địa phương cũng đã có kế hoạch chi tiết, nhận bàn giao mốc ranh giới, chụp hình hiện trạng để chuẩn bị công tác bồi thường GPMB.
Chủ đầu tư dự án là Ban quản lý dự án giao thông khu vực Cái Mép - Thị Vải cũng sẽ lập sơ đồ, kế hoạch cụ thể triển khai từng đầu việc, nguồn vốn, mốc thực hiện, đơn vị, người chịu trách nhiệm…
Tương tự với các tuyến đường 994, cầu Phước An, các tuyến đấu nối vào cao tốc, đường Vành đai 4 cũng sẽ thực hiện sơ đồ, kế hoạch triển khai cụ thể như trên.
Cầu Phước An đoạn nối với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai dự kiến được khởi công trong tháng 9-2022. Ảnh:TK |
Vì tính cấp bách các dự án nêu trên nên tại kỳ họp đã đưa nội dung Bồi thường GPMB ra để trao đổi, thảo luận; khẩn trương ban hành bảng giá đất mới;...
Theo ông Thuận, điều này cũng thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của tỉnh khi đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Các dự án này nhằm phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng để thúc đẩy tăng trưởng, tạo ra động lực mới, hình thành những không gian phát triển kinh tế mới, tạo nền tảng phát triển vững chắc và lâu dài cho Bà Rịa - Vũng Tàu không những cho nhiệm kỳ này mà cả những nhiệm kỳ tiếp theo...