Microflat - căn hộ "giá phải chăng" nhỏ hơn cả chỗ đậu xe
Đối với Max Lee – một bác sĩ 26 tuổi người Hồng Kông, cuộc sống trong căn hộ 1 phòng ngủ của anh chỉ xoay quanh đúng 1 chiếc giường. Không chỉ là nơi nằm ngủ hay xem TV, giường còn là nơi anh nghiên cứu tài liệu y khoa khi không ở bệnh viện. Lee chỉ có đủ tiền để mua căn hộ rộng vỏn vẹn 20m2 ở khu Cửu Long. Anh chia sẻ: "Tôi sống ở đây cũng ổn. Nhưng khá chật chội khi bạn gái đến chơi."
Không gian sinh sống của Lee có thể được coi là quá chật chội, nhưng đây là loại căn hộ cực kỳ phổ biến ở Hồng Kông, được gọi là microflat (căn hộ siêu nhỏ). Thành phố này có khoảng 8.500 microflat, chiếm 7% tổng số công trình ở thời điểm hoạt động xây dựng sôi nổi nhất vào năm 2019.
Căn hộ siêu nhỏ của Max Lee.
Ở bất kỳ tòa chung cư lấp lánh ánh đèn nào ở Hồng Kông, rất nhiều người đang sống "nhồi nhét" trong những căn hộ như Lee. Những căn hộ này chỉ đủ không gian để sắp xếp 1 chiếc giường, tủ, phòng tắm và bếp nhỏ. Chúng được rao bán với lời quảng cáo "những ngôi nhà có giá phải chăng."
Theo số liệu của chính quyền thành phố, tình trạng thiếu nhà ở nghiêm trọng đã khiến giá nhà ở Hồng Kông tăng 187% từ năm 2010 đến 2019. Giờ đây, giá nhà trung bình đã vượt mức 1,3 triệu USD ở một thành phố với mức lương tối thiểu chỉ là 4,82 USD/giờ. Ngay cả một người lao động lành nghề ở Hồng Kông cũng phải làm việc 21 năm mới đủ tiền mua một căn hộ trung bình với diện tích 60m2 ở trung tâm thành phố.
Microflat là loại căn hộ có giá chỉ bằng 1 nửa so với giá nhà trung bình, thuộc top nhà ở có giá thấp nhất trên thị trường bất động sản ở Hồng Kông. Căn microflat nhỏ nhất rộng gần 12m2, nhỏ hơn cả chỗ đậu ô tô trong cùng tòa nhà. Tòa nhà "One Prestige" được xây dựng năm 2018 bán các căn có diện tích từ 15-21m2 với giá 800.000 đến 1 triệu USD.
Để đáp ứng nhu cầu nhà ở giá rẻ, các nhà phát triển chia nhỏ mặt bằng thành những căn hộ siêu nhỏ. Xu hướng này diễn ra sau khi chính quyền thành phố nới lỏng quy định về ánh sáng tự nhiên và thông gió. Trước đó, quy tắc an toàn cháy nổ yêu cầu bếp phải được ngăn cách với khu vực khác bằng 1 bức tường, có cửa sổ riêng. Quy định thay đổi cho phép các nhà xây dựng chỉ cần thiết kế 1 cửa sổ duy nhất cho cả căn hộ, thu hẹp diện tích.
Lý giải xu hướng xây dựng căn hộ siêu nhỏ ở Hồng Kông
Tuy nhiên, những thay đổi về quy định cũng phản ánh sự kiện lịch sử đặc biệt của Hồng Kông. Năm 1953, trận hỏa hoạn ngày Giáng sinh đã khiến hơn 50.000 người tị nạn mất nhà cửa. Thay vì trợ cấp cho những người này, chính quyền thành phố gấp rút xây dựng các khu tái định cư cho họ. Trong đó, ngôi nhà công cộng như Mỹ Hà Lâu có các căn hộ rộng 11m2 cho mỗi gia đình.
Theo Ng Mee-Kam – học giả nghiên cứu về đô thị tại Đại học Hồng Kông, cho biết: "Mọi người không phản đối hay phàn nàn về không gian sống như vậy. Họ không thể phản đối khi có nơi để ở sau khi nhà đã bị phá hủy. Nếu vừa thoát khỏi một nơi kinh hoàng, thì bạn sẽ không kỳ vọng nhiều với nơi ở mới."
Khu vực bếp và toilet trong căn hộ của Max Lee.
Địa hình đặc trưng của Hồng Kông cũng thúc đẩy xu hướng xây dựng những căn hộ siêu nhỏ. Do có nhiều đồi núi và 75% diện tích là cây, rừng, nên phần lớn các khu vực này được sử dụng làm công viên được bảo tồn. Khi dân số tăng lên vào những năm 1960 và 1970, cựu trưởng đặc khu Lord MacLehose đã yêu cầu chính phủ quản lý các khu rừng rậm rộng lớn. Kết quả là, 24 công viên đã trở thành nguồn cung nước quan trọng cho thành phố, cũng như 443km2 rừng, đồng cỏ, đất ngập nước, đá cùng hơn 3.300 loài thực vật.
Bởi vậy, thành phố này đông đúc hơn nhiều so với số liệu tổng thể vì chỉ có 7% đất được quy hoạch cho nhà ở. 7,5 triệu dân phải chen chúc trong những khu cao tầng, nằm giữa biển và đồi núi. Quận đông dân nhất là Cửu Long, với mật độ 49.000 dân/km2.
Những chính sách của chính quyền mang đến lợi thế lớn cho một số nhà phát triển bất động sản trong việc tạo ra những căn hộ siêu nhỏ và người dân buộc phải chấp nhận chúng. Sở hữu một căn hộ nhỏ của riêng mình - thậm chí nhỏ hơn chỗ đậu xe, có thể được coi là một điều tốt hơn nhiều so với nhà ở công cộng, nhà "lồng" hay nhà "quan tài".
Ảnh hưởng của những căn hộ siêu nhỏ đến tâm lý người sử dụng
Tuy nhiên, chi phí xã hội và tâm lý đối với người dân Hồng Kông đã tăng lên. Nghiên cứu đầu tiên về chủ đề này được công bố vào tháng 7/2020, cho thấy tác động đáng kể của diện tích nhà ở đối với tâm lý lo lắng và căng thẳng.
Chan Siu-ming - tác giả của nghiên cứu này, hiện là trợ giảng giáo sư của khoa khoa học xã hội và hành vi tại Đại học Thành phố Hồng Kông, cho biết: "Tôi đã nói chuyện với những người có tâm lý lo âu như vậy, họ nói rằng muốn tự tử. Tôi gặp một người cha đã làm việc nhiều giờ mỗi ngày để trả tiền thuê nhà và đang ở trong căn nhà nhỏ đến mức mà ông ấy chỉ muốn đi ra ngoài."
Chuyên gia nói thêm: "Họ sẽ cảm thấy chán nản và tuyệt vọng với không gian sống quá nhỏ và thiếu ánh sáng. Nếu ở đó trong đó một thời gian dài, bạn sẽ thấy ngột ngạt và không muốn ở nhà."
Bên trong một nhà "lồng" tại Hồng Kông năm 2017.
Theo đó, các hoạt động mang tính xã hội của Hồng Kông thường diễn ra ngoài trời. Thành phố này nổi tiếng với những quán cafe, trà ngoài trời, nơi nam giới thường tụ tập ăn sáng, hút thuốc, đọc báo buổi sáng và tán gẫu. Cuối tuần, dường như toàn bộ người dân Hồng Kông đều mặc đồ thể thao, đến các trung tâm giải trí, bể bơi, bãi biển, sân tennis và bóng rổ hay đi bộ trên núi.
Hơn nữa, cuộc sống trong không gian nhỏ hẹp cũng đòi hỏi các gia đình phải cân nhắc nhiều về việc mua sắm. Các căn hộ nhỏ không có tủ quần áo hay đồ đạc. Nội thất cũng thường được lựa chọn theo phong cách tối giản.
Trong 1 microflat, yêu cầu về nội thất còn khắt khe hơn. Một video quảng cáo của One Prestige cho thấy, căn hộ nhỏ được trang bị hoàn toàn bằng nội thất thông minh, như ghế sofa trở thành bàn ăn sau đó ban đêm được sử dụng làm giường ngủ và chiếm toàn bộ diện tích nhà. Đương nhiên, những món đồ như vậy cũng không hề rẻ và phải được đóng riêng.
Những bất cập trong thị trường bất động sản Hồng Kông
Song, theo Alice Poon - tác giả của cuốn "Land and the Ruling Class in Hong Kong", việc giá nhà ở quá đắt đỏ đến mức nhiều người không đủ khả năng để chi trả là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn xã hội gay gắt ở Hồng Kông. Những yếu tố đó bao gồm chênh lệch giàu nghèo, sự tập trung của cải vào một bộ phận người dân ngày càng sâu sắc và phần lớn người dân phải chật vật trong bối cảnh giá nhà luôn ở mức cao và thiếu cơ hội việc làm.
Để giải quyết những lo ngại về nguồn cung nhà ở, chính quyền thành phố hồi tháng 10 đã công bố kế hoạch xây dựng khu Northern Metropolis, cung cấp nhà ở cho 2,5 triệu ở gần biên giới với đại lục. Dự án này phải mất vài năm nữa mới hoàn thiện.
Khu chung cư The Solaria nơi có một số căn microflat.
Trong khi đó, số lượng nhà riêng có thể được xây dựng từ các khu đất có sẵn đã giảm từ mức cao nhất là 25.500 năm 2018 xuống 13.030 vào năm 2021, theo Our Hong Kong Foundation. Ngoài ra, giá nhà cũng tăng 5% trong năm nay. Giới chức thành phố dự định yêu cầu các nhà phát triển ngừng xây dựng những căn hộ quá nhỏ, dưới 18m2.
Tuy nhiên, thị trường đôi khi cũng có thể đưa ra sự điều chỉnh riêng và đã có những dấu hiệu cho thấy người mua nhà chưa hài lòng với xu hướng microflat. Theo dữ liệu do Liber Research cung cấp, giá căn hộ dưới 24m2 chỉ tăng 78% từ năm 2010-2019, chưa bằng 1 nửa mức tăng của thị trường.
Song, giá trung bình của một căn hộ nanoflat có diện tích dưới 18,5m2 đã tăng lên 3.276 USD/ft2 (1ft2 = 0,09m2) trong 9 tháng đầu năm nay. Theo đó, những căn hộ nhỏ nhất thậm chí còn đắt hơn một căn hộ có diện tích cơ bản hơn gần 500 USD/ft2. Một số nhóm hoạt động đã kiến nghị việc cấm các chủ đầu tư xây dựng những căn hộ siêu nhỏ để kiếm lợi nhuận.
Hầu hết những người sống trong các microflat đều hy vọng mọi thứ chỉ là tạm thời cho đến khi họ lập gia đình. Bác sĩ Lee đang nỗ lực tiết kiệm để có đủ khả năng đặt cọc cho 1 căn hộ 2 phòng ngủ vào 1 ngày nào đó. Anh nói: "Tôi sống trong căn hộ nhỏ như vậy để tiết kiệm tiền. Tôi muốn chuyển ra ngoài càng sớm càng tốt."
Tham khảo Bloomberg