Sau 20 năm kể từ lần gần nhất TP.HCM tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc (năm 2006), đến thời điểm này thành phố mới lại xin đăng cai đại hội. Đại hội thể thao toàn quốc được tổ chức 4 năm một lần và là đại hội thể thao lớn nhất cả nước.
20 năm Đại hội thể thao toàn quốc trở lại TP.HCM
Tại kỳ họp thứ 13 HĐND TP.HCM khóa 10 diễn ra tuần qua, UBND TP.HCM đã có tờ trình ban hành danh mục dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong nhiều lĩnh vực.
Thể thao có 18 dự án, trong đó có nhiều dự án đầu tư vào những cơ sở vật chất thể thao mà TP.HCM đang yếu và thiếu trầm trọng nhiều thập niên qua.
Cụ thể: dự án xây sân vận động mới với kinh phí 7.000 tỉ đồng, sức chứa 50.000 chỗ ngồi; dự án nhà đua xe đạp lòng chảo với kinh phí 4.000 tỉ đồng, khán đài 5.000 chỗ ngồi; dự án nhà thi đấu TDTT tổng hợp có mức đầu tư 3.000 tỉ đồng...
Ngoài ra để phát triển thể thao và hoàn thiện hệ thống hạ tầng, TP.HCM đã quyết định đăng cai tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 10 năm 2026.
Dự thảo Đề án đăng cai tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc 2026 đã được Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM xây dựng công phu, chi tiết.
Ngày 27-11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi có tờ trình của Ban cán sự đảng UBND TP.HCM trình Ban thường vụ Thành ủy về chủ trương này.
Trước đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản thống nhất chủ trương để Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM xây dựng đề án đăng cai và tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc 2026.
TP.HCM và Hà Nội là hai mũi nhọn quan trọng nhất của thể thao Việt Nam. Tại Đại hội thể thao toàn quốc lần 9 năm 2022, Hà Nội đứng đầu với 175 HCV, TP.HCM xếp thứ hai với 128 HCV. Tại SEA Games 32 năm 2023, TP.HCM cũng là địa phương đóng góp lớn thứ hai vào thành tích của đoàn thể thao Việt Nam với 31/136 HCV.
Vậy nhưng khác với Hà Nội - địa phương có cơ sở hạ tầng thể thao tương đối hoàn thiện, TP.HCM với quy mô dân số trên 10 triệu người và là thành phố phát triển nhất cả nước nhưng lại có cơ sở vật chất thể thao nghèo nàn, xuống cấp, không đáp ứng được với nhu cầu phát triển của thành phố.
Trong chín kỳ Đại hội thể thao toàn quốc trước đó, Hà Nội đăng cai đến 5 lần, TP.HCM mới có 1 lần vào năm 2006. Kể từ đó đến nay, TP.HCM chưa đăng cai trở lại Đại hội thể thao toàn quốc. Đăng cai đại hội 2026 sẽ góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển thể thao của TP.HCM và khu vực phía Nam.
Hoàn thiện hạ tầng nghèo nàn, xuống cấp của thể thao TP.HCM
Theo dự thảo Đề án đăng cai tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 10 năm 2026, đại hội sẽ diễn ra vào tháng 11-2026. Địa phương đăng cai chính là TP.HCM và một số tỉnh lân cận: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Đồng Nai.
Đại hội dự kiến tổ chức 60 môn và phân môn, với sự tham dự của 65 đoàn, 12.000 người. Tổng kinh phí dự kiến tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc 2026 là gần 1.000 tỉ đồng từ nguồn kinh phí của TP.HCM và trung ương.
Ngoài ra để chuẩn bị riêng cho Đại hội thể thao toàn quốc 2026, Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM đã thực hiện việc đề xuất bố trí vốn trung hạn cải tạo nâng cấp các cơ sở phục vụ thi đấu tại đại hội do sở quản lý.
Đề xuất này đã được HĐND TP.HCM thông qua tại kỳ họp thứ 11 tháng 9-2023. Qua đó đã có dự trù kinh phí để nâng cấp cải tạo nhà thi đấu TDTT Phú Thọ, nhà tập luyện thể thao Phú Thọ, Trung tâm thể thao Hoa Lư, CLB bơi lặn Phú Thọ, SVĐ Thống Nhất, xây mới Trung tâm đào tạo VĐV năng khiếu thể dục thể thao TP.HCM...
Tổng kinh phí cải tạo, xây mới công trình thể thao phục vụ Đại hội thể thao toàn quốc 2026 cho thể thao TP.HCM là gần 1.000 tỉ đồng.
Đánh giá hiệu quả đề án đăng cai tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc 2026, UBND TP.HCM nhận định: Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 10 năm 2026 tổ chức tại TP.HCM và các địa phương khu vực Đông Nam Bộ sẽ góp phần thúc đẩy phát triển phong trào thể thao. Đây là tiền đề để phát triển lực lượng VĐV, nâng cao thành tích thể thao, đóng góp nhiều VĐV xuất sắc cho đội tuyển quốc gia.
TP.HCM đăng cai tổ chức sự kiện này đồng nghĩa với việc tiếp tục khẳng định, nâng cao vị thế của một đô thị đặc biệt, có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói riêng và các nước trong khu vực nói chung.
Thông qua việc tổ chức đại hội, TP.HCM có điều kiện tập trung rà soát quy hoạch, đầu tư sửa chữa nâng cấp các công trình thể thao.
Ông Nguyễn Nam Nhân, phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, cho biết: "Những năm qua, dù là một trong hai địa phương đóng góp nhiều nhất cho thể thao Việt Nam nhưng cơ sở hạ tầng của thể thao TP.HCM chưa tương xứng.
Với việc đăng cai Đại hội thể thao toàn quốc, hạ tầng cơ sở vật chất thể thao TP.HCM sẽ được củng cố. Bên cạnh đó, các dự án xây dựng 18 công trình thể thao mới được UBND TP.HCM trình HĐND thông qua theo phương thức đối tác công tư sẽ giúp hoàn thiện cơ sở vật chất cho thể thao TP.HCM. Khi hạ tầng đảm bảo, phong trào tập luyện có bề rộng lẫn chiều sâu sẽ là bệ phóng cho thành tích của thể thao thành phố trên các đấu trường".
Đại hội 2026 tập trung vào những môn Olympic
Hiếm có Đại hội thể thao toàn quốc nào lại được chuẩn bị sớm, kỹ càng như đại hội 2026. Việc này không những giúp ích cho địa phương đăng cai mà cho các tỉnh thành, ngành trên cả nước.
Nếu như các đại hội thể thao trước đây, thường chỉ thông qua điều lệ đại hội 3-6 tháng trước ngày khởi tranh thì TP.HCM đã xây dựng đề án trước khi đại hội diễn ra hơn 3 năm. Trong dự thảo đề án nêu rõ số môn, nội dung dự kiến được tổ chức.
Điều này giúp các địa phương có thời gian để đầu tư, chuẩn bị lực lượng VĐV. Trong số 60 môn và phân môn tại đại hội 2026, tập trung chủ yếu vào các môn có trong chương trình thi đấu của Olympic và Asiad.
Trong số hàng loạt dự án TP.HCM sẽ đầu tư trong thời gian tới, dự án xây mới sân vận động 50.000 chỗ ngồi trị giá 7.000 tỉ đồng nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.