Cuộc thi 'Chắp cánh khởi nghiệp xanh' do báo Tuổi Trẻ phối hợp Công ty Hyundai Thành Công và Công ty xi măng INSEE tổ chức đã nhận được hơn 100 ý tưởng, câu chuyện khởi nghiệp.
Ban giám khảo gồm nhà báo Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ; tiến sĩ Nguyễn Thị Quý Phương - tổng giám đốc Công ty tư vấn quốc tế QP Việt Nam, tổng thư ký Quỹ VinFuture; thạc sĩ Hoàng Sơn Công - chuyên gia huấn luyện khởi nghiệp, phó viện trưởng Viện Phát triển tài năng Việt Nam. Lễ trao giải diễn ra vào ngày 24-12-2022 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ.
Người nói được làm được
Nhà báo Lê Xuân Trung nhận xét: "Cuộc thi khó nên số lượng bài gửi dự thi không nhiều bằng các cuộc thi khác. Nhưng chất lượng các bài thi rất tốt". Giải nhất thuộc về bài viết "Thiên Nông khởi nghiệp xanh" của Đặng Dương Minh Hoàng, giám đốc nông trang Thiên Nông ở xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, một trong 100 người được tôn vinh là Nông dân xuất sắc toàn quốc 2022.
Nông trang của Hoàng cam kết sạch và xanh, bảo vệ người tiêu dùng, giảm thiểu ô nhiễm, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
Nông trang ứng dụng công nghệ theo hướng tự động và thuận tự nhiên, không tổn hại sức khỏe người lao động. Thiên Nông cũng chuyển giao công nghệ cho hàng chục đơn vị khởi nghiệp khác.
Khi chấm giải, ban giám khảo đã thảo luận: Liệu Hoàng có phù hợp với giải nhất của cuộc thi này khi đã thực hiện khởi nghiệp và có kết quả chứ không chỉ đề xuất ý tưởng?
Và ban giám khảo đi đến thống nhất rằng Hoàng là tấm gương khởi nghiệp đáng quý, không chỉ có thực tiễn mà còn truyền cảm hứng. Hoàng có ảnh hưởng truyền thông trong ngành công nghiệp xanh, xứng đáng với giải nhất của cuộc thi.
Giám khảo Hoàng Sơn Công đánh giá: "Hoàng làm thật và rất có tầm. Nếu Hoàng chỉ làm cho bản thân thì tôi sẽ không đánh giá cao như vậy, nhưng Hoàng còn giúp đỡ những người khởi nghiệp khác. Hoàng có cả ý tưởng chuyển đổi số, liên kết vùng, chuyển giao. Tác động xã hội của Hoàng rất lớn".
Thay đổi và truyền cảm hứng
Cuộc thi chọn trao giải cho những ý tưởng hay, thể hiện bức tranh ý tưởng khởi nghiệp đa dạng, đa sắc và phục vụ nhiều khía cạnh của cộng đồng.
Có những tác giả là nông dân, doanh nhân đã khởi nghiệp, dùng chính thực tiễn để chứng minh tính khả thi và tâm huyết của ý tưởng; và cũng có những tác giả còn là sinh viên nhưng nhiệt huyết, có ý tưởng tạo lập mô hình kinh doanh bài bản.
Giải nhì thuộc về bài viết "Muối dược liệu Việt Nam" của doanh nhân trẻ Trần Thị Hồng Thắm với ý tưởng về Nanosalt - dự án ứng dụng công nghệ để sản xuất muối ăn, muối dược liệu. Tiến sĩ Nguyễn Thị Quý Phương nói:
"Câu chuyện của Thắm rất ý nghĩa. Vợ chồng bạn đều đam mê và cùng nhau khởi nghiệp với tầm nhìn lớn. Hai bạn muốn trở thành người đi đầu ngành muối Việt Nam. Vợ chồng Thắm đã có cố gắng rất lớn trong việc thay đổi cuộc sống của diêm dân ở miền Trung".
Chị Phương cho rằng vợ chồng Thắm - Vinh (những người con của làng quê muối ở Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu, Nghệ An) là những tấm gương sáng, truyền cảm hứng cho những người khởi nghiệp xanh. Chị hy vọng ban tổ chức sẽ tiếp tục truyền thông về chân dung của những người dự thi tiêu biểu, vì chặng đường của họ còn rất dài và ý nghĩa.
Than hoạt tính, điện sinh khối, gene xanh
Giải ba cuộc thi khá đặc biệt khi thuộc về nhóm Flying Tigers thuộc Đại học FPT Cần Thơ, với ý tưởng "Tận dụng đũa tre sản xuất than hoạt tính".
Đây là những sinh viên giàu nhiệt huyết đưa ra biện pháp tái chế đũa tre dùng một lần thành than tre hoạt tính, có công dụng khử mùi. Ưu điểm của ý tưởng là nguồn nguyên liệu đầu vào lớn, sẵn có, quy trình sản xuất đơn giản và tính ứng dụng cao.
Giám khảo, nhà báo Lê Xuân Trung nhận định: "Bài đũa tre nổi trội vì có ý tưởng mới, giải quyết được câu chuyện trung hòa carbon".
"Nhóm khởi nghiệp đũa tre là các bạn sinh viên nhưng đã tạo lập được mô hình kinh doanh và đưa ra được sản phẩm đầu cuối. Từ một ý tưởng sơ khai, tôi tin Tuổi Trẻ có thể "gõ cây đũa thần" kết nối các nguồn lực giúp các bạn có thể triển khai những ý tưởng của mình" - tiến sĩ Quý Phương nhận xét.
Ý tưởng "Thời điểm vàng để phát triển điện sinh khối tại Việt Nam" của tác giả Kim Cương (giải khuyến khích), ban giám khảo đánh giá cao vì ý tưởng rất có tầm nhìn và tầm quốc tế.
Tác giả chỉ ra hằng năm tại Việt Nam có hơn 60 triệu tấn sinh khối từ phế phẩm nông nghiệp, nhưng chưa tới 40% được sử dụng đáp ứng nhu cầu năng lượng cho hộ gia đình và sản xuất điện. Đây là sự lãng phí nhưng cũng là tiềm năng to lớn.
Một ý tưởng khác cũng được đánh giá cao về sự tích cực cho cộng đồng là Gen Xanh - doanh nghiệp xanh của Thơm của tác giả Tấn Khôi.
Giải khuyến khích được trao cho cả Tấn Khôi lẫn Đặng Thị Thơm, sinh viên Trường đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM kiêm giám đốc điều hành Gen Xanh.
"Gen Xanh mong muốn khơi dậy mã gene sống xanh trong mỗi người và mã gene ấy sẽ tiếp tục được di truyền qua những thế hệ mai sau" - Thơm chia sẻ.
Từ những hành động xanh của ngày hôm nay, những người trẻ trong cuộc thi "Chắp cánh khởi nghiệp xanh" đều có chung ước mơ xây dựng một nền tảng xã hội vững bền cho mai sau.
"Khởi nghiệp xanh là cách khởi nghiệp tạo ra ảnh hưởng tốt cho cộng đồng, cho môi trường. Tuy nhiên nhiều bạn khởi nghiệp xanh đặt nặng yếu tố giải quyết vấn đề môi trường và xã hội mà quên thương mại.
Là một công ty khởi nghiệp cần phải tồn tại, có doanh thu, lợi nhuận và phát triển thị trường mới hiện hữu được, và hiện hữu thì mới giải quyết được các vấn đề xã hội".
Bà Nguyễn Phi Vân - thành viên hội đồng chuyên môn cuộc thi "Chắp cánh khởi nghiệp xanh"
Nông trại tuần hoàn Thiên Nông, muối dược liệu Việt Nam, đũa tre than hoạt tính… là những dự án giành giải cao trong cuộc thi ‘Chắp cánh khởi nghiệp xanh’.
Xem thêm: mth.94740112190103202-uas-iam-neb-gnuv-yan-moh-hnax/nv.ertiout