Được xây dựng gần một ngọn núi lửa đang phun trào, đây là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất Ecuador, một công trình bằng bê tông được Trung Quốc tài trợ và khánh thành vào năm 2016.
Giờ đây, các kỹ sư của chính phủ Ecuador cho biết hàng nghìn vết nứt đã xuất hiện bên trong nhà máy thuỷ điện Coca Codo Sinclair trị giá 2,7 tỷ USD này. Nguồn cung cấp điện lớn nhất của Ecuador có thể sẽ bị gián đoạn. Đồng thời, sườn núi bên sông Coca cũng đang bị xói mòn, có nguy cơ làm hỏng con đập.
Fabricio Yépez - một kỹ sư tại Đại học San Francisco ở Quito, người đã theo dõi sát sao các vấn đề của dự án, cho biết: “Chúng tôi có thể mất tất cả và cũng không biết là vào ngày mai hay sau 6 tháng nữa.”
Đây là một trong nhiều dự án do Trung Quốc tài trợ trên khắp thế giới gặp phải những sai sót trong khâu xây dựng.
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã cho các nước vay 1 nghìn tỷ USD theo sáng kiến Vành đai và Con đường, nhằm phát triển thương mại kinh tế và mở rộng tầm ảnh hưởng trên khắp châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Theo WB, những khoản vay đó đã đưa Bắc Kinh trở thành chủ nợ lớn nhất với các nền kinh tế đang phát triển, với tổng giá trị những khoản nợ này bằng gần tổng các khoản vay của tất cả các chính phủ khác cộng lại.
Tuy nhiên, việc này lại bị các nhà lãnh đạo, nhà kinh tế nước ngoài chỉ trích, họ cho rằng chương trình này đã phần nào gây ra cuộc khủng hoảng nợ ở những nơi như Sri Lanka và Zambia. Một số dự án cũng được cho là không phù hợp với nhu cầu cơ sở hạ tầng của một quốc gia hoặc gây hại cho môi trường.
Hiện tại, việc một số dự án xuống cấp có thể khiến một số cơ sở hạ tầng quan trọng gặp gián đoạn và các quốc gia phải gánh nhiều chi phí hơn trong vài năm tới để khắc phục các vấn đề.
Trung Quốc đã rót vốn để xây dựng mọi thứ, từ cảng ở Pakistan đến đường xá ở Ethiopia và đường dây điện ở Brazil. Các công ty xây dựng nước này thường đấu thầu các dự án của chính phủ hoặc trực tiếp tiếp cận quan chức địa phương để sắp xếp các gói vay từ các ngân hàng và công ty bảo hiểm Trung Quốc.
Theo quan chức của các nước đang phát triển, điều đó đã tạo lợi thế cho các công ty Trung Quốc, vì các chính phủ mong muốn xây dựng những con đường, con đập mới mà không cần phải tự huy động vốn.
Tại Pakistan, các quan chức đã đóng cửa nhà máy thuỷ điện Neelum-Jhelum vào năm ngoái, sau khi phát hiện các vết nứt trong hầm vận chuyển nước qua núi để chạy tua-bin.
Người đứng đầu cơ quan quản lý điện của Pakistan - Tauseef Farooqui, cho biết ông lo ngại rằng đường hầm có thể bị sập chỉ sau 4 năm đi vào hoạt động. Ông nhận định đây sẽ là thảm hoạ đối với một quốc gia vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá năng lượng tăng cao. Theo cơ quan quản lý, việc đóng cửa nhà máy khiến Pakistan mất khoảng 44 triệu USD/tháng do giá điện tăng cao kể từ tháng 7.
Trong khi đó, theo WB, các nhà máy thuỷ điện có thể hoạt động trong vòng 100 năm.
Còn ở Uganda, công ty phát điện của quốc gia này (UEGC) cho biết họ xác định được hơn 500 lỗi xây dựng trong nhà máy thuỷ điện 183 megawatt mà Trung Quốc xây dựng trên sông Nile. Nhà máy này thường xuyên gặp vấn đề kể từ khi đi vào hoạt động năm 2019. Theo UEGC, nhà máy này không có cần nổi để ngăn cỏ dại hay phế liệu chảy vào con đập, khiến tua-bin bị tắc và mất điện.
Ngoài ra còn có những chỗ rò rỉ trên mái của nhà máy, nơi đặt các máy phát điện và tua-bin. Chi phí xây dựng nhà máy là 567,7 triệu USD, được Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (EIBC) cho vay 480 triệu USD.
Một nhà máy thuỷ điện khác Trung Quốc xây dựng ở phía dưới sông Nile, dự án thuỷ điện Karuma 600 megawatt cũng đang chậm tiến độ hơn 3 năm do nhiều vấn đề khác nhau, ví dụ như các bức tường bị nứt.
Cơ quan này cũng cho biết dây cáp, công tắc và hệ thống chữa cháy do nhà thầu Sinohydro lắp đặt cũng cần phải thay thế. Đầu năm nay, chính phủ Uganda đã bắt đầu thanh toán khoản vay 1,44 tỷ USD ngay cả khi nhà máy vẫn chưa hoạt động.
Tại Angola, 10 năm sau khi những người thuê nhà đầu tiên chuyển đến Kilamba Kiaxi - dự án nhà ở xã hội quy mô lớn bên ngoài thủ đô Luanda, nhiều người đã phàn nàn về những bức tường bị nứt, bong tróc, trần nhà mốc meo và chất lượng xây dựng xuống cấp.
Dự án này do CITIC Group của Trung Quốc xây dựng và được Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) cung cấp khoản vay 2,5 tỷ USD, sau đó lại được Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) cấp vốn.
Aida Francisco sống trong căn hộ 4 phòng ngủ ở Kilamba cùng chồng và 3 con. Chị cho biết toà nhà này đã có rất nhiều vết nứt. Ngoài ra, trần nhà, tường cũng thường xuyên bị mốc và cửa, lan can cũng có chất lượng kém. Giống nhiều gia đình trung lưu khác ở Kilamba, chị mua nhà thông qua chương trình hỗ trợ thuê để mua.
Francisco cho biết khi mới chuyển đến Kilamba vào năm 2016, các nhà thầu Trung Quốc vẫn đến để khắc phục sự cố. Còn trong những năm gần đây, nhiều toà nhà, bao gồm cả nơi ở của chị, đã bị hư hỏng trong thời gian nhiều người thuê nhà bị mất việc do kinh tế Angola rơi vào khủng hoảng.
CITIC giải thích tình trạng nấm mốc xảy ra do một số người thuê cải tạo nhà không đúng cách và công ty đã hoàn thành việc bảo trì theo đúng yêu cầu.
Trên thực tế, nhiều dự án mà Trung Quốc tài trợ đáp ứng đúng nhu cầu phát triển, đặc biệt là đối với các quốc gia đang gặp khó khăn trong việc huy động nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết.
Ví dụ, ở tỉnh Jujuy phía bắc Argentina, PowerChina đã xây dựng công viên năng lượng mặt trời Cauchari, dự án năng lượng mặt trời lớn nhất Nam Mỹ. Theo chính phủ nước này, ở độ cao gần 4.000 m so với mực nước biển, dự án có thể cung cấp điện cho khoảng 160.000 ngôi nhà. Ở Brazil, State Grid của Trung Quốc cũng xây dựng một trong những đường dây tải điện dài nhất thế giới, nối đập Belo Monte ở phía đông bắc với các thành phố phía nam cách đó gần 2.500 km.
Ở Mỹ Latinh, Ecuador là quốc gia đi vay từ Trung Quốc nhiều nhất, chỉ đứng sau 2 nước lớn hơn nhiều là Venezuela và Brazil, theo tổ chức tư vấn Inter-American Dialogue.
Sau vụ vỡ nợ năm 2008, tổng thống khi đó là Rafael Correa đã kêu gọi tài trợ cho các dự án công từ Trung Quốc. Tổng cộng, các ngân hàng Trung Quốc đã cho Ecuador vay 18 tỷ USD trong nhiệm kỳ của ông Correa, từ 2007 đến 2017.
Các quan chức và chính phủ hiện tại, cùng các nhà kinh tế của Ecuador cho biết một số dự án mà Trung Quốc từng xây dựng giờ đây không có tác dụng gì, ví dụ như hàng trăm hecta đất nông nghiệp ở thung lũng Andean được sử dụng để xây dựng khi đô thị mới có tên Thành phố Yachay - được cho là sẽ biến Ecuador thành cường quốc công nghệ của khu vực. EIBC đã cung cấp khoảng vay 200 triệu USD cho các công trình cơ sở hạ tầng ban đầu, song nay dự án đã ngừng thi công với 1 siêu máy tính 6,3 triệu USD ngoài trời mà không được sử dụng.
Năm 2019, quốc gia này cũng cân nhắc xây dựng 200 trường học được Trung Quốc tài trợ. Hiện tại, 57 trường hoàn thành chậm tiến độ, trong khi một số toà gặp vấn đề về nền móng, sàn không bằng phẳng và dây cáp lộ ra ngoài.
Dự án tham vọng nhất của Trung Quốc ở Ecuador là Coca Codo Sinclair. Trước đó, họ coi đây là sự mạo hiểm do chi phí cao và xây dựng ở gần một ngọn núi lửa đang hoạt động. Nhưng Ecuador muốn con đập này có thể cải thiện mạng lưới điện thường xuyên bị ngắt và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng. Hiện tại, nhà máy này cung cấp khoảng 1/3 điện năng cho cả nước.
Một số kỹ sư đã đặt ra câu hỏi về dự án từ rất sớm, cho biết các nghiên cứu về môi trường đã không còn đúng thời điểm. Theo các cựu quan chức ngành năng lượng và điều tra viên của quốc hội, công suất 1.500 megawatt lớn hơn nhiều so với dự kiến ban đầu là khoảng 1.000 megawatt. Điều này khiến chi phí bị “đội lên” và tăng công suất lên mức cao hơn khả năng cung cấp năng lượng của dòng sông.
Kể từ khi khai trương vào năm 2016, giới chức ngành điện lực đã tìm thấy hơn 17.000 vết nứt trong 8 tua-bin của nhà máy điện. Năm 2021, công ty này đã kiện Sinohydro ra toà án trọng tài quốc tế ở Chile và yêu cầu sửa chữa thiệt hại.
Năm 2020, sườn sông Coca bắt đầu bị sạt lở. Tình trạng xói mòn đất đã phá huỷ thác nước lớn nhất của Ecuador, gây hư hỏng nặng cho một đoạn đường chính và đường ống dầu. Một số nhà địa chất cho biết cấu trúc bê tông của Coca Codo Sinclair đã làm gián đoạn dòng chảy của dòng sông và việc tích tụ trầm, khiến dòng nước chảy siết bắt đầu “ăn” vào bờ sông.
Theo Carolina Bernal - nhà địa chất tại Trường Bách khoa Quốc gia, xói mòn là quá trình thường xảy ra trong hàng nghìn hoặc triệu năm, nhưng con đập đó đã khiến mọi thứ xảy ra chỉ trong 5 năm.
Ecuador đã nỗ lực ngăn chặn tình trạng này nhưng không thành công, trong khi đặt cả các container vận chuyển để làm chậm dòng chảy nhưng nhanh chóng bị cuốn trôi.
Bernal nhận định giới chức có thể phải di dời cửa lấy nước của nhà máy và việc này sẽ tiêu tốn hàng triệu USD.
Tham khảo WSJ