Cần chính sách gì để giảm bệnh không lây nhiễm? Theo dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng bệnh, công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân do Bộ Y tế soạn thảo nêu ra những bất cập, tồn tại của sức khỏe người Việt.
Tuổi thọ cao nhưng nhiều bệnh tật
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong 10 quốc gia Đông Nam Á, tuổi thọ nam giới Việt Nam đứng thứ 5 và tuổi thọ phụ nữ Việt Nam đứng thứ 2. Trong 15 năm qua, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng từ 73,3 tuổi lên 73,7 tuổi. Bên cạnh đó, nhiều chỉ số cũng được cải thiện như giảm tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em…
Tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định mặc dù tuổi thọ người Việt cao hơn các nước trong khu vực nhưng số năm sống có bệnh tật lại cao so với các nước. Mỗi người Việt Nam trung bình có tới 10 năm phải sống với bệnh tật. Điều này làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống và làm giảm số năm sống khỏe mạnh.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới bệnh tật là do sự gia tăng mắc các bệnh không lây nhiễm, phổ biến là tim mạch, ung thư và đái tháo đường.
Bộ Y tế cũng nêu rõ Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm. Gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới trên 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc, và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.
Theo các chuyên gia, có ba nguyên nhân quan trọng khiến số năm sống chung với bệnh tật của người Việt ở mức cao, đó là chế độ dinh dưỡng, lối sống và môi trường ô nhiễm.
Cần chính sách nhằm giảm bệnh không lây nhiễm
Bộ Y tế nhận định nhận thức của người dân về việc phòng bệnh không lây nhiễm còn hạn chế. Trong khi đó, một số địa phương chưa thực hiện dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, có địa phương tỉ lệ ngân sách y tế cho y tế dự phòng còn rất thấp.
Bộ Y tế đưa ra đề xuất chính sách để phòng chống bệnh không lây nhiễm như hướng dẫn cách xác định nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm; tổ chức khám sàng lọc, chẩn đoán sớm và quản lý một số bệnh mạn tính; sàng lọc sơ sinh, sàng lọc trước sinh; tổ chức các hoạt động dự phòng, quản lý bệnh không lây nhiễm.
Bộ Y tế cho rằng nếu thực hiện được các giải pháp chính sách này, có sự đầu tư tài chính sẽ giúp Việt Nam phòng, chống và phát hiện điều trị sớm bệnh không lây nhiễm. Từ đó, sẽ giúp giảm bớt chi phí điều trị bệnh không lây nhiễm và hậu quả do bệnh không lây nhiễm gây ra.
Hút thuốc lá và "đại dịch" béo phì
Theo điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2021 do Bộ Y tế chủ trì thực hiện cho thấy có tới gần 21% dân số Việt Nam từ 15 tuổi trở lên hút thuốc lá, có 1/3 dân số từng tiếp xúc với khói thuốc lá. Có tới gần 2/3 nam giới uống rượu bia.
Đặc biệt, mức độ hoạt động thể lực của người dân còn thấp, gần 1/4 dân số thiếu hoạt động thể lực (không đạt mức theo khuyến nghị của WHO) và có tới gần 1/5 dân số bị thừa cân, béo phì.
Trong các nguyên nhân gây ra các bệnh không lây nhiễm thì hút thuốc lá và thừa cân, béo phì là hai nguyên nhân hàng đầu.
Theo bác sĩ Đỗ Hùng Kiên, trưởng khoa nội 1 Bệnh viện K, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi và hàng loạt các loại ung thư khác như ung thư bàng quang, hạ họng, khoang miệng…
Ngoài việc hút thuốc lá chủ động thì hút thuốc lá thụ động cũng bị ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe.
Các chuyên gia khuyến cáo hút thuốc còn gây ra bệnh tim mạch, đột quỵ, phình tách động mạch chủ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường, loãng xương và có nguy cơ bị lao, các nhiễm trùng khác.
PGS Nguyễn Anh Tuấn - trưởng khoa phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết béo phì là nguồn gốc của hơn 200 bệnh, làm tăng nguy cơ các bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, các bệnh lý cơ xương khớp, vô sinh…
Bên cạnh đó, béo phì cũng làm tăng nguy cơ tử vong hơn so với những bệnh nhân có cân nặng bình thường khác.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh thừa cân, béo phì liên quan đến nhiều loại ung thư thường gặp như ung thư vú, ung thư đại trực tràng, tử cung, thận, tụy, thực quản, gan, đường mật, buồng trứng, u tủy, màng não...
Theo bác sĩ Tuấn, béo phì đang là một "đại dịch" gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, vì vậy cần có những giải pháp nhằm kiểm soát tình trạng béo phì.
Bên cạnh đó, môi trường sống ở Việt Nam nhiều nơi đang bị ô nhiễm nặng bởi các chất thải sinh hoạt, sản xuất cũng là nguyên nhân gây bệnh tật. Ngoài những nguyên nhân khách quan thì còn có yếu tố chủ quan là ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của người dân còn hạn chế.
Người Việt ăn thừa muối, thiếu rau
Chế độ dinh dưỡng của người Việt cũng gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe. Khoảng 59% dân số ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến nghị (mỗi người cần ăn ít nhất 5 suất, tương đương với 400g mỗi ngày).
Đặc biệt, có tới 78% dân số luôn luôn hoặc thường xuyên thêm muối hoặc gia vị mặn vào món ăn. Trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 8,1g muối trong một ngày.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, WHO khuyến nghị một người trưởng thành chỉ nên ăn dưới 5g muối/ngày. Tuy nhiên, theo thống kê hiện nay thì người Việt đang ăn gần gấp đôi khuyến nghị.
Con người cuối cùng có thể đã khám phá ra bí mật để sống lâu, sống thọ đang ẩn giấu ngay trong ruột của chúng ta.